- Đây là một trong những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để tháo gỡ “vướng mắc” cho các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Theo đó, HoREA đề nghị xây dựng hoàn thiện Điều 65, Điều 66 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được tiếp cận nguồn lực đất đai công bằng, đồng thời phát huy cao nhất nguồn lực từ đất đai và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng.
Theo hiệp hội này, trong 05-10 năm tới, bên cạnh việc thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì vẫn cần thiết cho phép tổ chức kinh tế tự thỏa thuận với người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại theo định hướng tại điểm 2.3 Mục IV Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” do nguồn lực hạn chế của ngân sách nhà nước và năng lực của “tổ chức phát triển quỹ đất” cấp tỉnh có hạn nên chưa thể có khả năng chuẩn bị đủ quỹ đất để phục vụ đầu tư thông qua phương thức đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, ngoài trường hợp đấu thầu “khu đất chưa giải phóng mặt bằng” theo Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì đề nghị bổ sung đấu thầu đối với 02 trường hợp: Khu đất chưa giải phóng mặt bằng có các phần diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ; Khu đất đã giải phóng mặt bằng do Nhà nước quản lý (100% là đất công), như 04 lô đất 3.5; 3.6; 3.9; 3.12 Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có quy hoạch 1/500 vẫn có thể lựa chọn thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
HoREA cũng đề nghị không giới hạn quy mô diện tích khu đất (từ 20 hoặc 50 héc-ta trở lên) thì mới thực hiện đấu thầu và bổ sung tiêu chí khu đất thực hiện đấu thầu, đấu giá phải có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc 1/2000 và giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định lựa chọn thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với từng khu đất và thực tiễn của địa phương.
Hiệp hội này cho biết, điểm c khoản 3 Điều 66 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “c) Điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản” là đúng nhưng chưa đủ, mà cần bổ sung quy định “lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất” vào điểm c khoản 3 Điều 66 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Luật Đất đai là luật gốc, luật nội dung, như sau:
“c) Lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và tuân thủ điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”.
Đồng thời, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất Hiệp hội sửa đổi, bổ sung điểm đ (mới) khoản 1 Điều 40 Luật Đấu giá tài sản 2016 để quy định tương tự, như sau:
“đ) Lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”.
Nhật Lâm