- Ngày 15/09 tới đây, tại EMASI Vạn Phúc, Tp.HCM sẽ diễn ra "Giải mã Chất độc Màu da cam - Lịch sử như chất liệu, phương tiện, và chứng nhân nghệ thuật".
Để tiếp nối chuỗi chương trình vệ tinh thuộc khuôn khổ triển lãm "Phố Hiếu Kỳ", sự kiện tháng Chín của Nguyen Art Foundation sẽ xoay quanh một điểm nhìn từ khoa học xã hội, cụ thể là lịch sử, và bàn về cách bộ môn này truyền cảm hứng hay chứng thực cho nghệ thuật.
Vào năm 1998, khi nhà nước Việt Nam theo đuổi vụ kiện quốc tế nhằm truy vấn các tập đoàn đã nhúng tay vào việc rải Chất độc Màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam, nghệ sĩ Dinh Q. Lê đã dựng một trưng bày “du kích” tại ki-ốt ở Thương xá Tax (giờ đã bị đập bỏ). Anh đặt vào đó cơ man là những tiểu tượng, búp bê, thú nhồi bông, và quần áo sơ sinh - chỉ khác là tất cả chúng đều có hai đầu.
Trưng bày này mở màn cho cuộc truy lùng ngược dòng về một trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, nơi hậu quả chiến tranh được nhìn qua lăng kính của cả nghệ thuật và nghiên cứu xã hội - lịch sử. Nghệ sĩ Dinh Q. Lê sẽ dẫn dắt chúng ta qua hành trình của bộ tác phẩm đầu tiên này, mang tên ‘Damaged Gene’, cũng như những hậu duệ của nó là ‘Lotus Land’ và ‘Pure Land’, nơi lịch sử trở thành chất liệu và phương tiện để làm chứng cho thời dĩ vãng, ngõ hầu nhấn mạnh mối quan hệ giữa thẩm mỹ và sử tính, nghệ thuật và khoa học xã hội, cái thật và cái biểu trưng.
Các tác phẩm của nghệ sĩ Dinh Q. Lê đã được triển lãm khắp nơi trên toàn cầu. Các triển lãm gần đây của anh bao gồm ‘Dinh Q. Lê: fil de la mémoire et autres photographies’, ở Quai Branly Museum, Paris; ‘Monuments and Memorials’... Anh cũng được mời tham dự triển lãm ‘Delays and Revolutions’, Venice Biennale 2003; dOCUMENTA (13) 2012; và Carnegie International 2013.
P.V