- Giá nước sạch Sông Đuống cao hơn ở các nhà máy khác do nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí lãi vay khoảng 20% (2.003 đồng) cho mỗi m3 nước.
Được biết, công ty nước sạch Sông Đuống khi đầu tư cho dự án này đã đi vay gần 4.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (chiếm 80% tổng số vốn đầu tư).
Thông tin được ông Nguyễn Việt Hà - GĐ Sở Tài chính Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, tổ chức chiều 12/11.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo với nội dung Công ty nước sạch sông Đuống thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội lại không có mặt bất cứ lãnh đạo nào của công ty này. Toàn bộ thông tin về dự án cũng như giải trình các câu hỏi của báo chí về những điểm mà dư luận đang quan tâm đều do lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Sở Xây dựng thực hiện.
Báo cáo về dự án, ông Võ Tuấn Anh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, quy mô thực hiện dự án trong giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, giai đoạn 2 đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 ngày/đêm, gia đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m3 ngày/đêm. Dự án này được TP giao cho nhà đầu tư ngoài ngân sách thực hiện.
Sau phần báo cáo rất ít thông tin của ông Võ Tuấn Anh là hàng loạt câu hỏi liên quan đến dự án này như: Tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất và cao hơn rất nhiều so với mức giá nước sinh hoạt mà người dân Hà Nội đang phải trả? Cơ sở nào để Hà Nội đưa ra mức giá này? Tại sao mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các DN phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống? Tại sao các chuyên gia đã khuyến cáo nhà máy này chưa đủ điều kiện để cung cấp nước nhưng TP vẫn khánh thành đưa vào sử dụng?
Thành phố sẽ giám sát thế nào đối với chất lượng nước của nhà máy này? Liệu có xảy ra tình trạng nước Sông Đuống như nước Sông Đà vừa qua hay không khi mà tư nhân hóa nhà máy này? Nhà nước có nắm cổ phần chi phối đối với công ty này hay không? Liệu có câu chuyện “Lợi ích nhóm” đằng sau không? Có việc bán cổ phần của nhà máy này cho nhà đầu tư Thái Lan hay không? Liệu việc này có ảnh hưởng đến an ninh nước sạch hay không? Hà Nội có tính đến việc giữ cổ phần chi phối mà không rút vốn hoàn toàn khỏi các công ty nước sạch hay không…
Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức “uống được nước tại vòi”. “Sở Y tế, các đơn liên quan thường xuyên kiểm tra và có văn bản đốc thúc để đảm bảo nước sạch đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Thắng nói.
Về giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m2, cao hơn các nhà máy nước sạch khác, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đưa ra hàng loạt văn bản liên quan đến phương pháp tính tiền để khẳng định, đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật và phải “tính đúng, tính đủ.”
Cụ thể, theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá nước sạch của Sông Đuống bao gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát (18%) và lợi nhuận định mức tính theo mức tối thiểu là 5%…
“Trên cơ sở tính toán theo nguyên tắc của Thông tư 75/2012 của liên Bộ Tài chính và NNNT, với các chi phí trên thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính theo đề xuất của nhà đầu tư là 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức giá cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức”, ông Hà nói.
Các phóng viên lại tiếp tục đặt câu hỏi rằng, việc áp dụng các quy định mà Sở Tài chính dẫn ra có được giám sát để không xảy ra tình trạng tính toán không sát với thực tế, nâng khống các con số chi phí hay không?
Về thông tin mỗi năm TP Hà Nội hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp do chênh lệch giá nước sạch sông Đuống với các doanh nghiệp khác, ông Hà cho biết, đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống (mới tạm tính giá tối đa) vì dự án chưa được quyết toán, nên TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan.
Câu hỏi mà phóng viên tiếp tục đặt ra, đó là vì sao cho đến nay dù chưa quyết toán được, chưa có giá bán chuẩn… nhưng đã có thông nhà máy này bán trên 30% cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan với mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với định giá ban đầu. “Nếu chưa quyết toán, tại sao nhà đầu tư Thái Lan dám mua cổ phần với giá cao như vậy? Có phải họ đã nhìn thấy một mức lợi nhuận “khủng” từ dự án này hay không?” – PV tiếp tục đặt câu hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Về thông tin giá nước sạch sông Đuống bán buôn cao hơn giá bán lẻ hiện nay, ông Hà cho biết, nếu giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 thì cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Vì vậy, TP Hà Nội đang hiệp thương với Công ty nước mặt sông Đuống và các đơn vị phân phối, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ. Và, sau khi hiệp thương thì hiện đưa ra mức giá bán buôn là 7.700 đồng/m3, còn giá 10.246 đồng/m3 là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ.
Về việc tại sao giá nước mặt suông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước của các nhà máy cũng khác nhau.
Theo giải thích của ông Hà, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đông, quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau, chất lượng nguồn nước thô đầu vào của hai nhà máy cũng khác nhau (nước Sông Đuống nhiều phù sa hơn, phải bơm nước vào hồ lắng lọc nhiều hơn trong khi nhà máy nước Sông Đà dùng nước mặt tự nhiên…)
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước.
“Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, ông Hà thông tin.
Về câu hỏi liên quan đến việc khánh thành nhà máy, lãnh đạo Thành phố cho biết, “trong quá trình đầu tư đều có bước kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng. Thành phố khẳng định việc kiểm soát chất lượng với nhà máy nước mặt Sông Đuống đảm bảo, không có chuyện Hà Nội bỏ qua ý kiến của các chuyên gia và nhân dân mà cứ khánh thành”.