(VnMedia) - Nhiều ý kiến đồng tình với quy định tổ chức cho phạm nhân ra lao động bên ngoài trại giam, nhưng chỉ là những phân trại chứ không phải là của doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật...
Sáng ngày 10/01, theo chương trình Phiên họp thứ 30, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó đặc biệt là quy định cho phạm nhân ra lao động bên ngoài trại giam.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là: tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Cụ thể, về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu. Một là, tán thành quy định của dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam.
Hai là, không tán thành quy định của Dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
![]() |
Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp. Theo đó, cơ bản nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam nhưng cần có các quy định chặt chẽ như về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án...để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự đồng ý của phạm nhân cũng như bảo đảm các công ước quốc tế về lao động.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc thực hiện đúng các quy định cũng như đảm bảo chính sách nhân đạo như sự tự nguyện lao động, hưởng thành quả lao động của phạm nhân.
"Chúng ta đưa phạm nhân ra ngoài nhưng phải xem họ có mong muốn hay không, hay e ngại gì đó thì phải tôn trọng. Phạm nhân lao động cũng phải được hưởng thành quả của mình làm ra chứ không mang về cho ai đó", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với chủ trương cho lập khu sản xuất, điểm lao động nhưng dưới dạng phân trại. "Quan hệ giữa người bị giam giữ với cơ quan quản lý giam giữ, còn quan hệ giữa Điểm sản xuất với doanh nghiệp ở ngoài là quan hệ khác, chứ không phải phạm nhân ra làm việc cho một doanh nghiệp nào", bà Ngân nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc này tạo điều kiện cho họ được lao động, có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề. Tuy nhiên, cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động, đặc biệt là với những người có trình độ lao động.
Cũng đồng tình với việc cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đưa phạm nhân ra lao động ở ngoài trại giam nhưng phải trong khu sản xuất, điểm lao động, còn nếu đưa vào doanh nghiệp là không phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng, cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam - phạm nhân - doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp hợp đồng với phạm nhân.
Cần tham khảo ý kiến chuyên gia
Trước đó, thảo luận tại Hội trường Quốc hội hôm 19/11/2018 về Luật này, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng, tội phạm hình sự bị áp dụng biện pháp chấp hành án phạt tù có thời hạn, án tù trung thân, là hình phạt nghiêm khắc của pháp luật hình sự. Vì vậy, phạm nhân phải có sự khác biệt với người không bị hạn chế quyền công dân. Đó là họ phải bị cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để thi hành án.
“Theo tôi, quy định của pháp luật hiện hành không có việc quy định phạm nhân được tổ chức lao động, sản xuất ngoài phạm vi trạm giam là hoàn toàn phù hợp và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật hình sự. Ngoài ra, lao động sản xuất của phạm nhân trong trại giam còn để tránh phạm nhân trốn trại, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm lực lượng quản giáo phải trông coi phạm nhân ngoài khu vực trạm giam. Đồng thời, hạn chế sự tùy tiện và có thể dẫn đến tiêu cực trong lĩnh vực này” – đại biểu Giàng Thị Bình nêu quan điểm.
Bà Bình cũng đề nghị để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm lao động của phạm nhân và tăng mức cải thiện đời sống cho phạm nhân từ thành quả lao động của mình, trạm giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tiêu thụ sản xuất là thành phẩm do phạm nhân làm ra.
Trong khi đó, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng, những vấn đề quy định quá chi tiết về vấn đề mới như thi hành án đối với pháp nhân thương mại hay lao động ngoài trại giam rất cần có sự đánh giá tác động, đặc biệt, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm rõ, giúp các đại biểu có thể yên tâm hơn khi bấm nút thông qua luật này.
Xuân Hưng