- Trong quý I/2024, lượng tìm kiếm về chủ đề Công nghệ ghi nhận mức tăng đến 2,7 lần. ChatGPT vẫn dẫn đầu xu hướng tìm kiếm, trong khi các công cụ AI khác tiếp tục duy trì sức hút với người dùng.
Cốc Cốc vừa chính thức phát hành Báo cáo Xu hướng tìm kiếm Quý I năm 2024, điểm lại 8 chủ đề cùng các từ khóa tìm kiếm đáng chú ý nhất trên Tìm kiếm Cốc Cốc. Theo đó, Giải trí là chủ đề dẫn đầu về mức tăng trưởng, gấp 3 lần về lượng tìm kiếm so với quý trước, với đại diện tiêu biểu là "cơn sốt” phim Việt chiếu rạp “Đào, Phở và Piano”.
Người dùng cũng quan tâm đặc biệt tới các thông tin có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, khi lượng tìm kiếm về “giá vàng”, “mức phạt nồng độ cồn” hay nhu cầu săn “vé máy bay giá rẻ” đều có xu hướng tăng rõ rệt. Bên cạnh đó, “nhảy việc” và tìm việc làm thêm cũng là các nội dung được người dùng tìm kiếm nhiều hơn trong dịp đầu năm.
Giữ vị trí đầu bảng trong xu hướng tìm kiếm quý I/2024 là chủ đề Giải trí.
Quý I/2024 chứng kiến sự bùng nổ của phim Việt trong thị phần phim chiếu rạp. Trong khi “Mai” xác lập kỷ lục phòng vé, thì “Đào, Phở và Piano” bất ngờ trở thành một hiện tượng truyền thông dù chỉ có lượng suất chiếu giới hạn. Về nhu cầu tìm kiếm, các bộ phim được khán giả quan tâm nhất là “Quỷ Cẩu”, “Đào, Phở và Piano” và “Mai”.
Chủ đề ngày Tết bao phủ các nội dung giải trí, với 2 từ khóa nổi bật là “nhạc xuân” và “hài tết”. “Táo quân 2024” và “Tết đong đầy” nằm trong Top các chương trình truyền hình và bài hát thịnh hành nhất.
Đặc biệt, sức hút từ sự kiện trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái (drone) “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” và "Get on Hanoi 2024 - Sắc hương Tây Hồ" diễn ra vào hai ngày 09/02/2024 và 09/03/2024 đã khiến “lễ hội ánh sáng/drone hồ tây” trở thành một trong các từ khóa tìm kiếm nổi bật nhất.
Tiếp nối đà tăng trong quý IV/2023, chủ đề Du lịch tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ đến 2,8 lần về lượng tìm kiếm trong quý I/2024 so với quý trước.
Quý I là khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán. Nhu cầu di chuyển về quê ăn Tết hay du lịch xả hơi, du lịch tâm linh đều có xu hướng tăng mạnh. Với việc tăng trần giá vé máy bay nội địa đúng giai đoạn nhu cầu đi lại tăng cao, “vé máy bay giá rẻ” được người dùng săn tìm ráo riết. Các từ khóa liên quan đến “vé máy bay” đã tăng đến 35% về lượng tìm kiếm so với quý trước. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm xe khách trong quý I/2024 cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với từ khóa “vé xe rẻ” tăng 60% về lượng tìm kiếm. Đáng chú ý, tàu hỏa đang trở thành phương tiện được người dùng ưa chuộng hơn với mức tăng 33% về lượng tìm kiếm.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch tham quan, du lịch vào đầu năm mới, người dùng có xu hướng quan tâm hơn đến các thông tin dự báo thời tiết. Cụm từ “thời tiết + (tỉnh thành)” đã tăng 49% về lượng tìm kiếm. Đặc biệt, với các hiện tượng cực đoan như rét đậm - rét hại, mưa phùn - nồm ẩm, các tỉnh thành Bắc Bộ là nơi người dùng quan tâm về thời tiết nhất.
So với quý trước, lượng tìm kiếm về chủ đề Việc làm đã tăng đến 2,6 lần, với từ khóa tìm kiếm thịnh hành nhất là “tuyển dụng”.
Tương tự xu hướng của các năm, quý I/2024 tiếp tục là một mùa “nhảy” việc. Lượng truy vấn liên quan đến vấn đề xin nghỉ việc nói chung đã tăng 10%. Nổi bật nhất là các cụm từ tìm kiếm “(mẫu) đơn xin nghỉ việc” và “lý do xin nghỉ việc”.
Về hình thức công việc, người dùng có xu hướng tìm đến những công việc có tính chất tạm thời để kiếm thêm thu nhập. Trong quý I/2024, tìm kiếm về các loại hình công việc này đã tăng gấp 7,6 lần. Trong đó, “công việc làm thêm hàng ngày”, “việc làm online” và “công việc bán thời gian” là các cụm từ tìm kiếm thịnh hành nhất.
“Dựa trên dữ liệu phân tích trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tìm việc có xu hướng tăng mạnh trong quý I, đặc biệt là thời điểm sau Tết. Với bối cảnh kinh tế khó khăn chung trong năm qua, tình trạng cắt giảm nhân sự hàng loạt cũng diễn ra phổ biến và vẫn có thể tiếp diễn. Nắm bắt và thấu hiểu nhu cầu tìm kiếm công việc của người dùng, chúng tôi đã cho ra mắt tính năng Tìm việc làm, giúp người dùng tra cứu nhanh cơ hội việc làm từ các chuyên trang tuyển dụng phổ biến. Với tính năng này, người dùng cũng có thể tải xuống mẫu CV, tham khảo mức lương theo vị trí công việc, xem cẩm nang chốn công sở với các tips phỏng vấn, viết CV hữu ích và tính lương Gross – Net và thuế thu nhập cá nhân. Thao tác tìm kiếm đơn giản, kết quả hiển thị nhanh chóng giúp người dùng dễ dàng tìm được thông tin chính xác tại một nơi duy nhất.” - Bà Alisa Zhazhieva, Giám đốc sản phẩm Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc chia sẻ.
Với nhóm thông tin về Tài chính và Bất động sản, “giá vàng” và “chung cư” là hai nội dung đứng đầu danh sách tìm kiếm thịnh hành.
Tin tức về việc giá vàng trong nước liên tục đi lên và phá vỡ kỷ lục trong tháng 3/2024 khiến các cụm từ tìm kiếm liên quan đến “giá vàng” nói chung đã tăng 64% về lượng tìm kiếm so với quý trước.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, giá chung cư tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, ghi nhận đà tăng chóng mặt. Tìm kiếm về loại hình bất động sản “chung cư” nói chung đã tăng đến 813%, với cụm từ tìm kiếm thịnh hành nhất là “chung cư cao cấp”.
Trong quý I/2024, lượng tìm kiếm về chủ đề Công nghệ ghi nhận mức tăng đến 2,7 lần. ChatGPT vẫn dẫn đầu xu hướng tìm kiếm, trong khi các công cụ AI khác tiếp tục duy trì sức hút với người dùng.
So với quý trước, lượng tìm kiếm về các ứng dụng AI nói chung tăng nhẹ 6%, riêng ChatGPT tăng 16%. Đặc biệt, công cụ tạo video AI như “sora openai” được người dùng đặc biệt quan tâm, với mức tăng gấp 15,62 lần về lượng tìm kiếm.
Kính thực tế ảo Apple Vision Pro là màn ra mắt sản phẩm công nghệ đáng chú ý nhất trong quý I/2024. So với quý trước, lượng tìm kiếm cụm từ “apple vision pro” đã tăng tới 12,68 lần.
Ba chủ đề còn lại được đề cập trong Báo cáo gồm: Đồ ăn, Thương mại điện tử, Sự kiện và Nhân vật.
Báo cáo Xu hướng tìm kiếm Quý I/2024 được xây dựng dựa trên các truy vấn có được trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Tất cả những thông tin trong báo cáo này là không định dạng danh tính, không làm ảnh hưởng tới an toàn thông tin của người dùng. Với những thống kê hữu ích, bản báo cáo của Cốc Cốc thể hiện đúng các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong các lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người dùng Việt trên không gian mạng.
Phạm Lê