- Theo dự đoán của các chuyên gia, TSMC chưa có sẵn chipset 2nm cho Apple cho đến khi dòng iPhone 18 ra mắt vào năm 2026.
Năm ngoái, Apple là nhà sản xuất điện thoại thông minh đầu tiên và duy nhất cung cấp cho thiết bị của mình bộ xử lý ứng dụng (AP) chạy nút quy trình 3nm, đó là chip A17 Pro. Theo giải thích của giới chuyên môn, khi nút quy trình để sản xuất ra một con chip giảm xuống, kích thước của các bóng bán dẫn bên trong chip sẽ nhỏ hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều bóng bán dẫn hơn có thể được lắp bên trong một con chip, khiến nó trở nên mạnh hơn hoặc tiết kiệm năng lượng hơn. Nút quy trình thế hệ đầu tiên N3B 3nm của xưởng đúc chip của Đài Loan TSMC được sử dụng để sản xuất chipset A 17 Pro được trang bị cho iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max. Trong khi đó, iPhone 15 và iPhone 15 Plus được cung cấp sức mạnh bởi chip A16 Bionic 4nm, đây cũng là con chip cung cấp năng lượng cho bộ đôi iPhone 14 Pro.
Năm nay, iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sẽ được trang bị chip A18 Pro AP được sản xuất bằng nút 3nm thế hệ thứ hai (N3E) của TSMC. Cùng với đó, bộ đôi smartphone tiêu chuẩn iPhone 16 và iPhone 16 Plus sẽ được cung cấp sức mạnh bởi chip A18 Bionic, con chip này cũng sẽ được sản xuất bằng nút N3E 3nm thế hệ thứ hai của TSMC. Chip A18 Pro dự kiến sẽ mạnh mẽ và có khả năng hơn A18 Bionic.
Một báo cáo tuyên bố rằng, TSMC sẽ sẵn sàng sử dụng nút quy trình 2nm để sản xuất chipset A19 Pro và A19 Bionic được trang bị trên dòng iPhone 17, tuy nhiên sau đó thông tin này đã bị bác bỏ trong một bài đăng trên mạng xã hội và được một lập trình viên tự do đến từ Việt Nam chia sẻ lại. Nội dung đoạn thông tin đó như sau: "Đây là thông tin không đúng. Việc TSMC sản xuất hàng loạt chip dựa trên nút quy trình 2nm sẽ được bắt đầu vào nửa cuối năm 2026, như vậy con chip dựa trên nút 2nm sẽ không thể ra mắt kịp thời để đưa vào dòng iPhone 17 ra mắt vào tháng 9/2025.
Nếu thông tin trên là sự thật, chúng ta có thể thấy dòng Galaxy S26 của Samsung sẽ trở thành những chiếc smartphone đầu tiên sử dụng chip 2nm, cùng với đó Qualcomm sẽ phải trả tiền cho TSMC để sử dụng nút 2nm cho chip Snapdragon 8 Gen 5 SoC vào năm 2026. Mặt khác, Snapdragon 8 Gen 4 sẽ là bộ xử lý ứng dụng (AP) Snapdragon 3nm đầu tiên nên không rõ liệu Qualcomm có chuyển từ nút 3nm lên 2nm nhanh như vậy hay không.
Cùng với đó, nếu TSMC không sẵn sàng xây dựng đủ chipset 2nm cho dòng iPhone 17 vào năm tới, chúng ta có thể thấy nút quy trình 2nm sẽ ra mắt với chipset A20 Pro và A20 Bionic sẽ được sử dụng trên dòng iPhone 18 ra mắt vào năm 2026.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, chip xử lý thế hệ mới ngày càng đòi hỏi nhiều công cụ sản xuất phức tạp, khiến chi phí đẩy lên cao. Bên cạnh đó, giá sản xuất chip trên tiến trình 2 nm sẽ tăng 50% so với tiến trình 3 nm. Để xây dựng một nhà máy sản xuất chip 2 nm với công suất 50.000 tấm đĩa bán dẫn (wafer) mỗi tháng tốn ít nhất 28 tỷ USD. Trong khi với chip 3 nm, con số này là 20 tỷ USD.
Một trong những lý do khiến chip 2 nm đắt đỏ là yêu cầu tăng cường về số lượng máy quang khắc cực tím (EUV) tốn kém. Giá chip cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những công ty công nghệ hàng đầu như Apple. Hãng này đang sản xuất hàng loạt chip smartphone, PC dựa trên tấm nền N3B (3 nm) mới nhất của TSMC.
Công ty nghiên cứu Arete Research ước tính mỗi chip 3 nm của Apple hiện tốn gần 50 USD để sản xuất. Dòng A17 Pro trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max có kích thước khuôn 100-110 mm vuông. Có nghĩa, mỗi tấm wafer 300 mm có thể tạo ra được 586 chip A17 Pro. Trong trường hợp hiệu suất đạt 100%, chi phí mỗi chip khoảng 34 USD. Trên thực tế, hiệu suất thường chỉ khoảng 85%, tương ứng giá sản xuất chip 3 nm tốn hơn 40 USD.
Chính vì vậy, nếu chuyển sang tiến trình chip 2 nm, Apple sẽ cần 30.000 USD để làm ra một tấm wafer, đắt hơn 10.000 USD so với hiện tại. Từ đó, giá sản phẩm đầu cuối sẽ tăng lên.
Hải Linh