Nhà sản xuất chip Nvidia đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất của nước Mỹ, chỉ xếp sau Microsoft và Apple.
Tăng trưởng thần tốc
Nvidia phải mất 24 năm với tư cách là một công ty đại chúng để đạt giá trị 1 nghìn tỉ USD. Nhờ vai trò của nhà sản xuất chip trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), họ đạt được thêm 1 nghìn tỉ USD chỉ trong vòng 8 tháng.
Giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia cán mốc 2 nghìn tỉ USD trong phiên giao dịch hôm 23/2 trước khi lại giảm xuống dưới mốc này một lần nữa. Tuy nhiên, công ty này chỉ đứng sau Microsoft và Apple.
Hành trình trở thành một trong những công ty giá trị nhất nước Mỹ bắt đầu tại một cửa hàng Denny's vào năm 1993 và tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây nhờ sự thống trị của Nvidia trong lĩnh vực GPU, hay bộ xử lý đồ họa. Những con chip này, trị giá hàng chục nghìn USD mỗi đơn vị, đã trở thành mặt hàng khan hiếm, quý giá và Nvidia ước tính chiếm hơn 80% thị trường.
Nhu cầu đã vượt quá sản lượng và thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh phát triển các mẫu chip của riêng họ. Khả năng đảm bảo nguồn cung ứng GPU có thể quyết định tốc độ phát triển các hệ thống AI mới của các công ty. Bởi vậy có rất nhiều công ty khoe nguồn cung ứng GPU ổn định của mình để chiêu mộ thêm chuyên viên AI, thậm chí những con chip được đem ra sử dụng làm tài sản thế chấp để vay hàng tỉ USD.
Fletcher Previn, giám đốc thông tin của Cisco, cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Mạng CIO của The Wall Street Journal trong tháng này, những con chip này có giá trị đến mức chúng được chuyển đến công ty mạng Cisco Systems bằng xe bọc thép.
Vào thứ Tư, sau khi Nvidia công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo trong quý thứ ba liên tiếp, các giám đốc điều hành của công ty cho biết nguồn cung vẫn khan hiếm và thế hệ chip AI mới dự kiến ra mắt trong năm nay sẽ bị hạn chế về nguồn cung.
Thiết kế của chip khiến chúng trở thành bộ phận quan trọng trong việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ khổng lồ làm nền tảng cho các bot AI có khả năng tạo sinh như ChatGPT của OpenAI. Phần lớn chi tiêu cho AI của các công ty công nghệ như Microsoft, Alphabet và Amazon.com đều dành cho GPU.
Jensen Huang, CEO kiêm đồng sáng lập của Nvidia, cho biết AI tạo sinh (generatiove AI) đang làm dấy lên làn sóng đầu tư trị giá hàng nghìn tỉ USD mà ông tin rằng sẽ làm tăng gấp đôi số lượng trung tâm dữ liệu trên thế giới trong 5 năm tới và mang lại cơ hội thị trường cho Nvidia.
“Một ngành hoàn toàn mới đang được hình thành và điều đó đang thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi”, ông nói trong cuộc họp báo cáo thu nhập của công ty. Nvidia hôm 21/2 báo cáo doanh thu hàng quý là 22,1 tỉ USD và dự báo thêm 24 tỉ USD cho quý hiện tại, cao hơn gấp 3 lần so với mức được công bố một năm trước đó và vượt xa kỳ vọng của Phố Wall.
Kết quả này đã đẩy cổ phiếu Nvidia lên tầm cao mới. Cổ phiếu Nvidia mở cửa trong hôm 23/2 ở mức 807,90 USD, định giá công ty ở mức 2,02 nghìn tỉ USD.
Cổ phiếu Nvidia sau đó giảm giá và đóng cửa ở mức 788,17 USD, tăng 0,4% trong ngày. Cổ phiếu cần ở mức giá 800 USD để công ty này được định giá 2 nghìn tỉ USD.
Cổ phiếu Nvidia đã tăng 59% trong năm nay sau khi tăng hơn 3 lần trong năm 2023.
Vị thế dẫn đầu của Nvidia
Được thành lập cách đây hơn 30 năm với trọng tâm ban đầu là chip đồ họa máy tính dành cho chơi game trên PC, Nvidia đã sớm tập trung vào AI. Huang, một trong những CEO có thâm niên nhất trong ngành công nghệ, sở hữu 86,6 triệu cổ phiếu Nvidia, trị giá khoảng 68 tỉ USD, theo FactSet.
Huang đặt nền móng phát triển AI của Nvidia vào năm 2006 khi ông phát triển chip của mình cho các mục đích ngoài đồ họa máy tính. Các kỹ sư nhanh chóng bắt đầu sử dụng chúng để tính toán AI và họ tỏ ra đặc biệt thành thạo. Loại toán học cần thiết để xây dựng các hệ thống AI phức tạp phù hợp với cách hoạt động của chip đồ họa – bằng cách thực hiện vô số phép tính cùng lúc – nhiều hơn cách hoạt động của các bộ xử lý trung tâm truyền thống.
Hàng chục nghìn đơn vị GPU tiên tiến nhất của Nvidia, H100, thường được sử dụng để tạo ra các hệ thống AI tinh vi nhất. Và chúng rất đắt tiền, có giá khoảng 25.000 USD mỗi đơn vị, theo ước tính của các nhà phân tích.
Các nhà phân tích ước tính Nvidia có thể sản xuất khoảng 1,2 triệu con chip mỗi năm, nhưng việc đáp ứng nhu cầu ngày càng trở nên khó khăn. Nvidia thiết kế chip và ký hợp đồng sản xuất với TSMC, trong khi công ty này đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn ở các bước sau của quy trình sản xuất chip – khi các mảnh silicon được lắp ráp thành sản phẩm chip cuối cùng. TSMC đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất trong các bước tiếp theo trong năm nay.
Các công ty tranh giành mua chip
Nhu cầu chip tăng cao đã khiến các hãng đối thủ phải phát triển chip tập trung vào AI của riêng họ.
Advanced Micro Devices đã bắt đầu bán chip nhằm cạnh tranh với các sản phẩm của Nvidia và dự kiến doanh số bán những con chip đó sẽ đạt hơn 3,5 tỉ USD trong năm nay. Nhà thiết kế chip Arm Holdings của Anh bắt đầu nhập cuộc và Intel đã bắt đầu bán các bộ xử lý trung tâm có thể xử lý các phép tính AI.
Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp sản xuất chip AI. Và các công ty điện toán đám mây lớn như Google và Amazon cũng đang nỗ lực phát triển chip AI. Tháng 11 năm ngoái, Microsoft đã hé lộ chip AI đầu tiên của mình, được gọi là Maia 100.
Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp cũng như các công ty công nghệ lớn đều đang quảng cáo về số lượng chip Nvidia mà họ đã tích lũy được. Tháng trước, CEO của Meta Platforms, Mark Zuckerberg, cho biết trên Instagram rằng công ty của ông có kế hoạch mua 350.000 chip H100 của Nvidia vào cuối năm nay – kế hoạch sẽ tiêu tốn ít nhất vài tỉ USD theo mức giá hiện hành.
Một số trường đại học thậm chí còn lấy lượng chip H100 mà họ sở hữu ra để khoe và chiêu mộ. Sáng kiến Ngôn ngữ và Trí thông minh của ĐH Princeton có “cơ sở hạ tầng điện toán hiện đại với 300 chip Nvidia H100”, Giám đốc Sanjeev Arora cho biết trong một thông báo vào năm ngoái trên trang web của nhóm để tuyển dụng một kỹ sư phần mềm và nhà nghiên cứu khoa học.
Google đã thành lập một ủy ban điều hành để quyết định cách phân chia tài nguyên máy tính giữa người dùng nội bộ và bên ngoài công ty. Microsoft cũng thiết lập một chương trình phân bổ tương tự, được gọi là hội đồng GPU, nơi mà các giám đốc điều hành xác định cách phân bổ tài nguyên máy tính cho các dự án nội bộ.
Nhiều nhà phân tích và giám đốc điều hành trong ngành cho rằng lợi thế của Nvidia không thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh, nhờ vào chiều sâu và độ phức tạp của phần mềm mà hãng đã mất nhiều năm xây dựng cho chip của mình.
Nhưng Andrew Ng, nhà tiên phong về AI, người điều hành Quỹ AI, cho biết AMD và Intel đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các hệ thống phần mềm cạnh tranh đi kèm với chip hỗ trợ AI.
“Tôi nghĩ trong khoảng một năm nữa, tình trạng thiếu chip bán dẫn sẽ được cải thiện”, ông nói tại hội nghị CIO của Wall Street Journal.
theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/can-moc-2-nghin-ti-usd-con-sot-ai-giup-nvidia-tang-truong-than-toc-nhu-the-nao-post173447.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat