- Những nỗ lực của Nhật Bản trong việc xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn của mình đang có kết quả tốt khi ngày càng có nhiều công ty chip Đài Loan mở rộng tại đây - không chỉ để hỗ trợ TSMC mới mà còn phấn khích về triển vọng của ngành này ở Nhật Bản.
Ảnh minh họa |
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh các liên minh và ưu tiên trong ngành công nghiệp chip toàn cầu đang thay đổi khi Mỹ nỗ lực hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến và tăng cường quan hệ đối tác giữa các đồng minh.
Nhà sản xuất chip Fabless Alchip Technologies chuyên về các chip tùy chỉnh được gọi là chip tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC) là một ví dụ cho thấy xu hướng tách rời của Trung Quốc.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề này tiết lộ, vào năm 2022, phần lớn kỹ sư nghiên cứu và phát triển của hãng Fabless Alchip Technologies có trụ sở tại Trung Quốc nhưng Alchip đã bắt đầu chuyển dần ra nước ngoài, nhiều người đến Nhật Bản.
Công ty cho biết họ đang tuyển dụng ở Nhật Bản, Bắc Mỹ và Đài Loan nhưng từ chối bình luận thêm về vấn đề nhân sự.
Ông Hiroyuki Furuzono - Tổng Giám đốc của Alchip Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng thị trường bán dẫn Nhật Bản sẽ tăng trưởng, chúng tôi liên tục tận dụng các cơ hội ASIC của Nhật Bản và đã tham gia vào một số dự án tốt”.
Theo số liệu của Reuters, ít nhất 9 công ty chip Đài Loan đã thành lập cửa hàng hoặc mở rộng hoạt động tại Nhật Bản trong hai năm qua.
Ví dụ như công ty thiết kế chip eMemory Technology đã mở văn phòng hai năm trước tại Yokohama, gần Tokyo và đã có 11 nhân viên sau khi tuyển dụng từ các tập đoàn Nhật Bản từng thống trị ngành này.
Chủ tịch eMemory Michael Ho nói với Reuters rằng: “Sau khi xây dựng văn phòng ở đó, chúng tôi nhận được liên lạc thường xuyên hơn với khách hàng và họ sẵn sàng nói chuyện bằng tiếng Nhật với người dân địa phương của chúng tôi hơn, vì vậy chúng tôi thấy hoạt động kinh doanh đang bùng nổ”.
Nguồn tin và một người khác hiểu biết về vấn đề này cho biết, nhiều công ty trong lĩnh vực chip Đài Loan cũng đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hoặc thực hiện bước đột phá đầu tiên vào Nhật Bản, đồng thời nói thêm rằng đồng yên yếu đã khiến những quyết định đó trở nên dễ dàng hơn.
Mặc dù Nhật Bản vẫn tự hào là nhà sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn hàng đầu nhưng thị phần của nước này trên thị trường sản xuất chip toàn cầu đã giảm xuống còn 10% từ mức 50% vào những năm 1980 sau căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cạnh tranh từ các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhưng trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng lại lĩnh vực sản xuất chip của mình, nhận ra rằng chất bán dẫn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế và được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu trong thời kỳ đại dịch cũng như sự khuyến khích từ Washington.
Thứ Bảy tuần này (24/2), TSMC, có tên gọi chính thức là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, sẽ tổ chức lễ khai trương nhà máy đầu tiên của mình trên đảo Kyushu phía nam, một trung tâm sản xuất chip.
Kế hoạch trên đang diễn ra suôn sẻ, trái ngược với tình hình khó khăn mà TSMC gặp phải trong việc xây dựng nhà máy ở Arizona, Mỹ. TSMC cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, nâng tổng vốn đầu tư vào liên doanh lên hơn 20 tỷ USD.
Reuters đưa tin, gã khổng lồ sản xuất chip của Đài Loan coi Nhật Bản là nơi phù hợp tự nhiên xét về văn hóa làm việc cần cù và một chính phủ dễ làm việc cũng như và hào phóng với các khoản trợ cấp.
Ông Nori Chiou - Giám đốc đầu tư tại White Oak Capital cho biết: “Sức mạnh cốt lõi của một quốc gia bán dẫn mạnh không chỉ nằm ở các công ty hàng đầu mà còn ở hệ sinh thái mạnh mẽ”.
“Sự hỗ trợ chủ động của chính phủ Nhật Bản, được đánh dấu bằng các khoản trợ cấp đáng kể và sự can thiệp chính trị tối thiểu, đã tạo nên sự khác biệt, thúc đẩy tiến bộ vượt trội so với nhiều quốc gia khác”, ông Nori Chiou nói thêm.