- Khi tắt sóng 2G, quan điểm của phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà mạng đó là đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng; chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ công nghệ 4G, giúp các thuê bao lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số…
Nhiều giải pháp về chính sách thực thi để tắt sóng 2G
Tại tại tọa đàm: “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 5/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho hay, đến nay, đã có nhiều giải pháp về chính sách, thực thi để tắt sóng 2G.
Chủ trương tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công trên môi trường hiện đại, với tốc độ cao. Chủ trương dừng 2G, tiến tới là dừng 3G sẽ là nội dung trong kế hoạch từ 2023-2026.
Từ năm 2020, các nhà mạng đã có tính toán và đồng thuận với chủ trương dừng công nghệ 2G. Việc này sẽ phải có các bước liên quan đến từ việc xây dựng chính sách. Các đơn vị của Bộ TT&TT đã có đề xuất với lãnh đạo Bộ từ năm 2016, khi cấp phép 4G.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT |
“Tại thời điểm đó, tất cả giấy phép đều được đề xuất có hạn đến tháng 9/2024. Điều này sẽ giúp nhà mạng có định hướng trong việc phát triển thuê bao để đến thời điểm tháng 9/2024 có thể xem lại giấy phép. Đây là sở cứ tốt để quy hoạch lại các băng tần” - ông Nhã cho biết.
Về mặt thực thi, các doanh nghiệp đã xây dựng được kế hoạch của mình để phù hợp với thuê bao, vùng phủ sóng và công nghệ mà các doanh nghiệp đang khai thác. Cũng theo ông Nhã, một nhà mạng không thể tồn tại cùng lúc 2G, 3G, 4G, 5G, rất tốt kém cho việc khai thác, bảo dưỡng, vận hành.
Bên cạnh đó, nếu trên cùng một cột anten nếu có thiết bị của 4 công nghệ rất khó cho việc lắp đặt, tải trọng trên cột rất lớn. Do vậy, chủ trương tắt sóng 2G đạt được sự đồng thuận cao.
Nếu tắt sóng 2G và 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Lúc đó hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ được dùng 5G. Lúc đó, chúng ta sẽ có cơ hội để đến năm 2030 có thể khai thác 6G, khi công nghệ đã chín muồi.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các nhà mạng đã rất tích cực trong việc xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G đến tháng 9/2024. Các điện thoại chỉ có 2G không sẽ không được sử dụng trên mạng lưới. Bộ TT&TT cũng đã ban hành thông tư cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G.
Vòng đời thiết bị 2G Only thường chỉ 3 năm. Các đơn vị trong Bộ TT&TT đã rà soát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh không nhập khẩu thiết bị 2G Only. Do vậy các thiết bị này đã giảm dần trên mạng lưới.
Các nhà mạng đã xây dựng kế hoạch chi tiết trên từng quận huyện, nhà mạng sẽ hỗ trợ người sử dụng trên địa bàn để giảm thiểu thuê bao 2G, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng 4G. Tốc độ 4G trong 2 năm qua vì vậy tăng lên rất cao. Các nhà mạng cũng có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi thuê bao 2G sang 3G, 4G.
Trong chương trình viễn thông công ích, Bộ TT&TT cũng đã tham mưu chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa, hỗ nghèo để chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh. Một số tỉnh cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng, thông qua chương trình hỗ trợ, triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng. Đây là lợi ích của việc dùng điện thoại thông minh.
Nhà mạng xây dựng kịch bản cụ thể cho tắt sóng 2G
Tại tọa đàm, đại diện đến từ Tập đoàn VNPT cho hay, đối với chủ trương, kế hoạch tắt sóng 2G, VNPT mong muốn đồng hành với các nhà mạng và bên liên quan. Từ năm 2015, 2016, khi lưu lượng 2G của VinaPhone chiếm khoảng 60%, VNPT nhận thấy công nghệ 2G đã triển khai hơn 20 năm với hai dịch vụ truyền thống là Voice và SMS. Sau khi 3G, 4G xuất hiện, 2G gần như đã hoàn thành vai trò của mình.
Từ lúc lưu lượng 2G còn khá cao, VNPT đã xác định chiến lược tắt sóng 2G, đưa vào hoạt động xây dựng kế hoạch, phát triển mạng lưới, ưu tiên chỉ còn triển khai 2G kết hợp 3G và 4G. Phần thiết bị trước đó chỉ có 2G (2G only), VNPT đang tiến hành tắt từng trạm riêng lẻ. Hoạt động kinh doanh kết hợp theo các chương trình đều ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng data, 3G, 4G.
Ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó Ban công nghệ Tập đoàn VNPT chia sẻ thông tin tại tọa đàm |
Trong hai năm qua, VNPT cũng đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ vì gần như nhu cầu lưu lượng không có hoặc rất ít. VNPT kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực đó, tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.
Đối với chỉ đạo, định hướng của Bộ, VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G only. Các thuê bao này chiếm khoảng gần 3 triệu, tương đương 8% tổng số thuê bao VNPT. Đối với chương trình kiểm soát thiết bị theo Thông tư 43 của Bộ yêu cầu không được nhập khẩu thiết bị chỉ hỗ trợ 2G, VNPT cũng xây dựng giải pháp hệ thống, dự kiến cuối năm nay thực hiện, không cho phép kết nối các thiết bị không tuân thủ quy định pháp luật.
VNPT cũng đang có kịch bản cụ thể cho các lớp khách hàng như khách hàng VIP, khách hàng là người già, nông thôn, hải đảo sử dụng dịch vụ di động. VNPT sẽ kết hợp tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao của VNPT chuyển đổi, với quan điểm duy nhất là đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng; chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ công nghệ 4G, giúp các thuê bao VNPT lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số.
Phạm Lê