- Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong quá trình tắt sóng 2G.
Để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai. Theo đó, từ ngày 1/7/2021, “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực, bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Tại tọa đàm do CLB nhà báo công nghệ thông tin tổ chức ngày 5/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Các nhà mạng đã thống kê người sử dụng 2G đến từng quận, huyện. Cục Viễn thông sẽ cùng nhà mạng xây dựng kế hoạch cụ thể, ngoài việc hỗ trợ người sử dụng điện thoại smartphone giá rẻ, sẽ phối hợp với các tỉnh thành phố huy động nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, còn cần đào tạo, huấn luyện cho người sử dụng làm quen với các công nghệ mới, đảm bảo an toàn, tránh vào các ứng dụng giả mạo, huấn luyện cách nhận biết các ứng dụng không an toàn. Đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn người sử dụng chi tiết, đồng hành cùng việc chuyển đổi dịch vụ là đa dạng hóa hình thức đào tạo, truyền thông cho họ những thông tin cần thiết khi chuyển đổi điện thoại của mình.
Phạm Lê