- Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy, thị trường chuyển đổi số của Việt Nam còn đang vô cùng lớn. Các bài toán đặt ra cũng rất nhiều. Rất nhiều bài toán cần lời giải từ chính các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam…
Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có bài tham luận với nội dung: Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng tốc thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Ông Ngô Diên Hy cho rằng, thị trường chuyển đổi số của Việt Nam còn đang vô cùng lớn. Các bài toán đặt ra cũng rất nhiều. Chính phủ cũng có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, còn rất nhiều bài toán cần lời giải từ chính các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; Đưa xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới...
Phó Tổng giám đốc VNPT Ngô Diên Hy trình bày tham luận tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV |
Mục tiêu là như vậy nhưng theo ông Ngô Diên Hy, các chương trình hành động cũng như kích hoạt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế; còn nhiều bài toán phải giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. "Trước thực tế này, VNPT vẫn đang đầu tư nguồn lực để giải quyết bài toán của đất nước. Việt Nam chúng ta vẫn còn rất nhiều bài toán cần phải giải quyết” - ông Ngô Diên Hy nói.
VNPT đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc xây dựng cổng dữ liệu về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia... Và hiện giờ, VNPT vẫn đang bám sát chiến lược quốc gia, xây dựng nền tảng chung. Xây dựng hạ tầng nền tảng và hệ sinh thái sản phẩm số, công nghệ số đáp ứng tối đa nhu cầu chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Các sản phẩm công nghệ lõi 4.0 (AI, IoT, Big Data, …) của VNPT đã và đang phục vụ tích cực cho đổi mới sáng tạo.
Với AI, VNPT triển khai các giải pháp tư vấn pháp luật, chính sách cho người dân; Nhận diện, cảnh báo các vấn đề về sức khỏe qua hình ảnh x-quang, siêu âm; Tư vấn các nội dung học tập cá nhân hóa; Phát hiện dịch bệnh trong nông nghiệp
Với IoT, VNPT triển khai các giải pháp quản lý, giám sát công sở thông minh như: Quản lý, giám sát nhà máy thông minh; Quản lý, giám sát hệ thống chiếu sáng thông minh; Quản lý, giám sát lưới điện thông minh
Với Cloud, VNPT cung cấp hạ tầng lưu trữ, tính toán, kết nối đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về vị trí đặt dữ liệu tại Việt Nam; Đảm bảo tốc độ kết nối, hạn chế ảnh hưởng bởi các sự cố cáp quốc tế.
Với Blockchain, các giải pháp quản lý thông tin của chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa giúp minh bạch, chống hàng giả, hàng nhái; Quản lý các tài sản số NFT; Quản lý các hợp đồng điện tử.
Bigdata giúp phân tích và đánh giá tác động của các văn bản chính sách nhà nước; Đánh giá tín dụng trong lĩnh vực tài chính; Phân tích, đánh giá xu hướng của khách hàng thương mại điện tử...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và các đại biểu tham quan gian triển lãm của Tập đoàn VNPT tại Diễn đàn |
Trong lĩnh vực kinh tế số, VNPT cũng đã và đang có những đóng góp đáng ghi nhận vào kinh tế số mở rộng. Góp phần trong công cuộc chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế số mở rộng từ các lĩnh vực như Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp… Phát triển hệ sinh tái sản phẩm dịch vụ số phục vụ toàn diện nhu cầu của Chính phủ, Tổ chức, Doanh nghiệp đến người dân
VNPT tự hào khẳng định làm chủ các hệ thống nền tảng, sản phẩm dịch vụ lõi, phát huy xã hội hóa nguồn lực các sản phẩm, dịch vụ vệ tinh, nội dung giúp đa dạng SPDV cung cấp cho khách hàng. Ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng các mô hình Bệnh viện thông minh, Lớp học thông minh, Nông nghiệp thông minh, Tài chính Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp, Tiêu dùng, Bán lẻ, Hậu cần vận tải… Phát huy các dịch vụ cốt lõi VNPT có lợi thế (Cloud, Security) làm lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế ngành.
Trong lĩnh vực Y tế, VNPT đã triển khai được một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh, đa đạng, với các nền tảng Y tế số: Hồ sơ sức khỏe, Quản lý Y tế cơ sở, Khám chữa bệnh từ xa,.. đồng thời cũng đã phát triển hệ sinh thái bệnh viên thông minh theo lộ trình của Ngành Y tế.
VNPT xác định chuyển đổi số khách hàng cá nhân và hộ gia đình lấy con người là trung tâm vì các mục tiêu phát triển bền vững. VNPT sẵn sàng chuyển đổi số xã hội, phát triển Công dân số với việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng Công dân cho phép người dân dễ dàng truy cập và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. VNPT cung cấp các ứng dụng Chính trị xã hội (App công dân, App thanh niên, Công đoàn,…) hình thành các thói quen và hành vi của công dân trên môi trường số…
Dù vậy, ông Ngô Diên Hy cho rằng, thị trường Việt Nam còn rất, rất nhiều bài toán để giải. Đó là các bài toán về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể kích hoạt được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của các thành phần thực thể tham gia, bao gồm các công ty công nghệ, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực.
VNPT vẫn đang quan tâm, đầu tư rất nhiều để có thể cùng giải quyết các bài toán, góp phần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, cho tất cả các doanh nghiệp công nghệ trong đó có VNPT chung tay phát triển, xây dựng đất nước.
Phạm Lê