Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra liên bang, Cục Tình báo Liên bang Mỹ đã đồng loạt lên tiếng phản đối thỏa thuận an ninh với TikTok.
Quan chức của Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra liên bang, Cục Tình báo Liên bang Mỹ cho rằng, người dùng TikTok tiếp tục là mục tiêu nhạy cảm khi ứng dụng chia sẻ video này vẫn sử dụng công nghệ của ByteDance, công ty đồng thời sở hữu Douyin p phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ CNBC, TikTok đã sẵn sàng chịu sự giám sát nhiều hơn của bên ngoài nhằm thuyết phục chính phủ Mỹ cho phép công ty vẫn thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance.
Công ty cũng đã thông báo một số biện pháp nhằm xoa dịu giới chức Mỹ, bao gồm cả thoả thuận với Oracle về lưu trữ dữ liệu người dùng tại Mỹ, thành lập đơn vị An ninh dữ liệu Mỹ (USDS) để giám sát hoạt động bảo vệ dữ liệu và các quyết định kiểm duyệt nội dung... Thậm chí, TikTok còn đang thuê kiểm toán và giám sát viên độc lập, những người được công ty trả lương nhưng báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).
Trong khi đó, các động thái của các cơ quan Mỹ nhằm vào TikTok là một phần trong bối cảnh cọ sát chiến lược rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, từ thương mại, sở hữu trí tuệ cho tới vấn đề nhân quyền.
CNBC cho biết, hai đơn vị chủ trì đàm phán với TikTok là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Mỹ đã sẵn sàng cho một thoả thuận để tránh vướng vào cuộc chiến pháp lý tương tự như trường hợp của chính quyền thời Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, tính tới ngày 19/12, đã có khoảng 19 trong số 50 bang tại Mỹ áp đặt lệnh cấm một phần hoặc hoàn toàn quyền truy cập vào TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của liên bang. Nguyên nhân là bởi các bang này lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng. Một số Nghị sĩ của Quốc hội Mỹ thậm chí đã đề xuất một lệnh cấm trên toàn quốc, tương tự như điều mà một số quốc gia khác như Ấn Độ đang thực hiện.
theo vtv.vn
https://vtv.vn/cong-nghe/nhieu-co-quan-trong-yeu-cua-my-dong-loat-phan-doi-thoa-thuan-voi-tiktok-20221223154701492.htm