- Nhóm chuyên gia Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn vừa phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney tổ chức thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo tích hợp với phương tiện bay không người lái nhằm hỗ trợ tìm kiếm, phát hiện người người bị nạn.
Đây là một trong những hoạt động của Dự án "Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn".
Dự án này nằm trong Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia (Aus4Innovation) hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có sự tham gia hợp tác giữa Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn từ tháng 9/2021.
Theo kế hoạch triển khai dự án, ngày 04/11/2022 vừa qua, nhóm chuyên gia Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn đã phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney tổ chức thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo tích hợp với phương tiện bay không người lái nhằm hỗ trợ tìm kiếm, phát hiện người người bị nạn.
Thực nghiệm máy bay không người lái |
Buổi thử nghiệm được diễn ra tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Đây là xã miền núi nằm phía tây nam của huyện Kim Bôi với đặc điểm địa hình dốc, hệ thống suối ngắn và hẹp, độ dốc suối cao. Nhân dân sinh sống chủ yếu ở sườn đồi; diện tích canh tác phân tán; thời tiết khí hậu được chia thành hai mùa rõ rệt nên trên địa bàn thường xảy ra các hình thái thiên tai như áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, mưa đá, lốc, sét, lũ và sạt lở đất.
Trong quá trình thử nghiệm, một số tình huống người bị nạn đã được bố trí dọc theo các bờ suối, lùm cây... để kiểm tra khả năng phát hiện của chương trình phần mềm thông qua các hình ảnh quan sát gửi về từ phương tiện bay không người lái.
Được biết, Dự án "Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn", có mục tiêu củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc (Aus4Innovation) với số tiền 400.000 đô la Úc.
Nguồn kinh phí này trích từ chương trình hỗ trợ phát triển có ngân sách 14,5 triệu đô la Úc do Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT) tài trợ và được quản lý và đồng tài trợ bởi cơ quan khoa học quốc gia Úc - CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ KH-CN".
Phạm Lê