- Theo các chuyên gia nghiên cứu, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có kế hoạch công bố những hạn chế mới đối với các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tiếp cận công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ.
Với bước đi này, giới chuyên môn cho rằng, chính quyền Washington có thể kìm hãm “tham vọng” kiểm soát ngành công nghệ bán dẫn của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như bảo toàn tốc độ tăng trưởng trị giá 550 tỷ USD mà Hòa Kỳ đang năm giữ.
Như vậy, trong tuần này, Bộ Thương mại của Mỹ sẽ ban hành một số quy tắc về quản lý những mặt hàng công nghệ bán dẫn nào có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cùng với đó, cơ quan này cũng soạn thảo các hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.
Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào việc hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn cao cấp của các đối tác đến từ Trung Quốc và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Đây được xem như một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các biện pháp mới, mà tờ New York Times đưa tin gần đây, dự kiến sẽ bao gồm việc chính thức áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cũng như cấm bán các công cụ, máy móc và sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc, đồng thời hạn chế quyền truy cập vào chip dùng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Các hướng dẫn này cũng sẽ hệ thống lại các hạn chế được áp dụng gần đây đối với công ty Nvidia Corp. và Advanced Micro Devices Inc. Được biết, Nvidia là một tập đoàn đa quốc gia, chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động. Còn Advanced Micro Devices Inc là nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia có trụ sở tại bang Texas, Mỹ, chuyên phát triển bộ xử lý máy tính và các công nghệ liên quan cho thị trường tiêu dùng và kinh doanh.
Các thành viên của Quốc hội Mỹ từ lâu đã gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Biden nhằm thắt chặt kiểm soát thiết bị bán dẫn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chưa kể các hành động trước đó tập trung vào các công ty được coi là rủi ro đối với an ninh quốc gia như Huawei Technologies Co.
Theo hướng dẫn hiện hành, các nhà sản xuất thiết bị chip có trụ sở tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như Applied Materials Inc., đã được phép bán máy móc để sử dụng ở Trung Quốc trong một số trường hợp nhất định hoặc trang bị cho một số công ty Trung Quốc máy móc để sản xuất chất bán dẫn kém tiên tiến hơn.
Các quy định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ chính thức được công bố trong tuần này, bao gồm việc áp dụng các hạn chế liên quan đến công nghệ sản xuất chip 14 nanomet hoặc tốt hơn. Theo các chuyên gia, số lượng nanomet trên chip càng nhỏ, thì hiệu suất của chip càng lớn. Các hạn chế cũng sẽ mở rộng sang các sản phẩm công nghệ khác được xuất khẩu tới Trung Quốc.
Theo tờ báo Financial Times, những hạn chế mới nhất của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc đã tạo ra phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh. Sau những tuyên bố ngoại giao, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra “làn sóng” tài trợ nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bán dẫn nội địa.
Đến thời điểm này, Trung Quốc đã chi kỷ lục 2,79 nghìn tỷ NDT (441 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm ngoái, tăng hơn 14% so với năm 2020. Trong khi dữ liệu từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ báo cáo nước này đã chi tới 708 tỷ USD cho R&D trong năm 2020.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng chi R&D, Trung Quốc đã vượt Mỹ. Từ năm 2016 đến năm 2021, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc tăng trung bình 12,3%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng chi của Mỹ là 7,8%/năm. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu những thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua, nhưng chính phủ nước này tuyên bố sẽ nâng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu để thúc đẩy những đổi mới.
Hoàng Thanh