- Theo bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022 vừa được công bố ngày 21/9 tại Hà Nội, giá trị của top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng 36%.
Đây là năm thứ 7 Brand Finance - Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới tổ chức sự kiện Brand Finance Vietnam Forum 2022 - sự kiện thường niên của Brand Finance tại Việt Nam nhằm công bố giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời tôn vinh TOP 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2022.
Giá trị của top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã tăng 36% trong năm 2022
Theo ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan.
“Chúng tôi thực sự ấn tượng với tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam vào năm 2022. Nhiều thương hiệu đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng. Báo cáo top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance sẽ trở thành thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của các thương hiệu trên toàn quốc cho tất cả các lĩnh vực” - ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc công ty cổ phần Mibrand Việt Nam chia sẻ thêm.
Bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022 cho thấy, giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng lên 36%. Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng. Tổng giá trị đạt được lên tới 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã tăng 4,2% giá trị thương hiệu, đạt 2,858 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong top thương hiệu giá trị nhất. Trong vòng năm năm trở lại đây, VNPT đã tăng trưởng cả về giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu.
VNPT đã xếp hạng hai trên bảng xếp hạng quốc gia năm thứ tư liên tiếp và xếp trong top 3 kể từ năm 2017. Những năm gần đây, VNPT đã ký kết những thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam và các đối tác để cải thiện các giải pháp kết nối và mạng lưới truy cập 5G tại Việt Nam.
Viễn thông là lĩnh vực giá trị nhất trên bảng xếp hạng
Theo bản danh sách được công bố, Bảo hiểm (+ 116%), Bất động sản (+ 105%) và Cơ khí & Xây dựng (+ 61%) là những ngành tăng trưởng nhanh hơn trong khi Viễn thông, Ngân hàng và Thực phẩm, đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị của bảng xếp hạng.
Bốn thương hiệu Viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng. Tiếp theo là ngành Ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành Thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.
Trong nghiên cứu thị trường mới nhất của mình, chúng tôi đã phân tích nhận thức của 108 thương hiệu tại Việt Nam, 44 thương hiệu trong đó nằm trong top 100 thương hiệu giá trị nhất quốc gia.
Hàng năm, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu Brand Finance đưa 5.000 thương hiệu lớn nhất vào thử nghiệm và xuất bản gần 100 báo cáo, xếp hạng các thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực và quốc gia. Top 50 thương hiệu Việt Nam mạnh nhất và có giá trị nhất thế giới được đưa vào bảng xếp hạng 2022 của Brand Finance Việt Nam.
Giá trị thương hiệu được hiểu là lợi ích kinh tế ròng mà chủ sở hữu thương hiệu đạt được bằng cách cấp phép thương hiệu trên thị trường mở. Sức mạnh thương hiệu là hiệu quả hoạt động của thương hiệu trên các thước đo vô hình so với các đối thủ cạnh tranh.
Bảng xếp hạng đầy đủ, thông tin chi tiết bổ sung, biểu đồ, thông tin thêm về phương pháp luận và định nghĩa của các thuật ngữ chính đều có trong báo cáo Brand Finance Vietnam 50 2022.
Phạm Lê