- Theo chia sẻ của các xưởng đúc chip (một linh kiện quan trọng trong các thiết bị điện tử) lớn trên thế giới, nhu cầu của người dùng về smartphone đang giảm dần, dẫn đến việc sản xuất diễn ra cầm chừng hoặc rơi vào tình trạng đóng băng ở một số nơi.
Được biết đến là xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc, nhưng Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) không có khả năng sản xuất ra những con chip tiên tiến như TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn mơ về một tương lai với khả năng tự cung tự cấp chip. Hiện các chip tiên tiến nhất mà SMIC có thể làm ra cho đến thời điểm này là vi xử lý (SoC) 7nm cơ bản dành cho các thợ đào tiền điện tử và chip điện thoại thông minh 14nm, trong khi TSMC và Samsung đang xuất xưởng trong năm nay là chip 3nm.
Trên một con chip, số nút quy trình vô cùng quan trọng, đây được xem là cuộc đua vô cùng khốc liệt giữa các xưởng đúc chip trên thế giới. Có thể thấy, nút quy trình càng nhỏ, bóng bán dẫn càng nhỏ, thì số lượng bóng bán dẫn của chip càng cao. Ví dụ, Apple A13 Bionic SoC 7nm có 8,5 tỷ bóng bán dẫn trong mỗi chipset. A14 Bionic do TSMC sản xuất bằng cách sử dụng nút quy trình 5nm thế hệ đầu tiên, mang 11,8 tỷ bóng bán dẫn. Và A15 Bionic, sử dụng nút 5nm nâng cao của TSMC, có 15 tỷ bóng bán dẫn.
Lý giải tại sao điều này lại quan trọng là vì số lượng bóng bán dẫn của chip càng cao thì nó càng mạnh và tiết kiệm năng lượng. SoC A16 Bionic dự kiến cung cấp năng lượng cho iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max, sẽ được sản xuất bằng cách sử dụng nút quy trình 4nm của TSMC.
Theo Bloomberg, SMIC đã tiết lộ rằng các khách hàng của họ trong các lĩnh vực như điện thoại thông minh và TV đã bị đóng băng đơn đặt hàng chip do nhu cầu về điện tử tiêu dùng trên toàn thế giới giảm. Theo đồng giám đốc điều hành Zhao Haijun, xưởng đúc đã phải điều chỉnh lại lịch trình sản xuất của mình. Ông Zhao đã chỉ ra rằng, các khách hàng của họ đã ngừng đặt hàng mới cho các con chip dẫn đến "việc đóng băng nhanh chóng và đơn đặt hàng khẩn cấp tạm dừng."
Trong quý 2 năm nay, SMIC đã báo cáo doanh thu tăng mạnh 42% lên 1,9 tỷ USD, phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích. Thu nhập ròng đứng đầu kỳ vọng là 469,5 triệu USD và đạt 514,3 triệu USD trong ba tháng. Công ty này cũng gặp không ít khó khăn do các hạn chế xung quanh các quy định về xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ khiến họ không thể mua máy in thạch bản cực tím (EUV) từ ASML.
EUV được sử dụng để khắc các mẫu mạch điện lên tấm đĩa bán dẫn (wafer) và đưa vào khuôn chip. Để lắp được hàng tỷ bóng bán dẫn trong một con chip, những mẫu này có chiều rộng bằng 1 / 1.000 sợi tóc người, đó là lý do tại sao máy EUV rất quan trọng trong việc sản xuất chip tiên tiến. Với việc Hoa Kỳ chặn SMIC mua máy (máy này dựa trên công nghệ của Mỹ), xưởng đúc của Trung Quốc cần phải đưa ra giải pháp để bắt kịp TSMC và Samsung, đây là điều không khả quan.
Tuy nhiên, SMIC kỳ vọng các thiết bị của mình sẽ hoạt động với hiệu suất sử dụng cao trong hai năm tới khi ngày càng nhiều thiết bị và sản phẩm ở Trung Quốc như thiết bị gia dụng và ô tô sử dụng nhiều chip hơn. Và SMIC đang nhận được nhiều hỗ trợ kinh doanh hơn từ các nhà thiết kế chip tài năng ở Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi xưởng đúc có giá trị vốn hóa thị trường (giá cổ phiếu nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành) là 201,86 tỷ đô la Hồng Kông (HKD), tương đương 25,76 tỷ USD.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng sự sụt giảm của hàng điện tử tiêu dùng toàn cầu sẽ làm tổn hại đến SMIC, khiến cổ phiếu của xưởng đúc này giảm 3,1% vào thứ 6 tuần qua tại Hồng Kông xuống còn 17,08 HKD (2,18 USD). Mức cao nhất trong 52 tuần là 26,30 HKD trong khi mức thấp nhất trong 52 tuần là 14,64 HKD.
Các xưởng đúc hàng đầu thế giới cũng đang giảm nhu cầu. Tháng trước, nhà máy đúc hàng đầu thế giới TSMC cho biết họ có "tồn kho chip quá mức" do "nhu cầu giảm" đối với máy tính để bàn, điện thoại thông minh và các sản phẩm tiêu dùng khác. Công ty cho biết sẽ mất vài quý để ngành công nghiệp chip tái cân bằng. Giám đốc điều hành TSMC C.C. Wei cho biết, "Các nhà cung cấp của chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong chuỗi cung ứng."
Hoàng Thanh