- Với chủ đề “Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển Kinh tế - Xã hội”, Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022 tổ chức bởi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chính thức khai mạc vào hôm nay, 18/8.
Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú: 06 phiên chuyên đề, 03 Tọa đàm chuyên sâu, Triển lãm các giải pháp công nghệ số tiêu biểu. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 50 diễn giả, hơn 1.000 lượt đại biểu, hơn 3.000 khách tham quan triển lãm gồm có: lãnh đạo các bộ ngành trung ương như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các địa phương và lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp cung cấp giải pháp số và các doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề của tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành; đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện lãnh đạo và phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong công tác Chuyển đổi số. Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm đầu của cả nước: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp vị trí số 1 toàn quốc; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số chuyển đổi số DTI xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc năm 2021. Đặc biệt, liên tục trong 2 năm 2020, 2021 chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế đều giữ vững ở vị trí thứ 2 toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu chào mừng |
Phát biểu chào mừng sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Huy Dũng ghi nhận: “Những thành tựu của Huế trong Chuyển đổi số nhờ 05 điểm: 1. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ lãnh đạo cao cấp nhất; 2. Triển khai đồng bộ và xuyên suốt 03 cấp Tỉnh - Huyện - Xã; 3. Thực hiện nguyên tắc: Bắt buộc trước, tự nguyện sau; 4. Triển khai một nền tảng, nhiều ứng dụng, nhiều đối tác; 5. Xây dựng được một Sở Thông tin và Truyền thông mạnh quản lý các nền tảng, các đối tác hiệu quả". Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng, Thừa Thiên Huế sẽ từng bước kiến tạo một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình lấy người dân làm trung tâm phát triển kinh tế xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thừa Thiên Huế kỳ vọng, với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ tạo ra sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích lớn cho người dân. Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022 kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới của Thừa Thiên Huế nói riêng, chuyển đổi số - phát huy sức mạnh Văn hóa - Di sản, giúp phổ biến, nâng tầm các giá trị Văn hóa - Di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng hướng đến đưa công tác chuyển đổi số đến các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả thông qua các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, và trải nghiệm các giải pháp số.
Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội
Phiên toàn thể diễn ra sáng 18/8 với chủ đề Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Các diễn giả - là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số, và lãnh đạo tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam: Mobifone, VNPT, Viettel, FPT, FSI… đã tập trung bàn thảo, chia sẻ, và tham vấn về 03 vấn đề: kế hoạch chuyển đổi số Huế giai đoạn 2022 - 2025, phát triển các hạ tầng chuyển đổi số Huế đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa Chính quyền và Doanh nghiệp.
Chuyên đề đã giúp cho các cấp, các ngành, không chỉ của Thừa Thiên Huế mà các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới, làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Toàn cảnh lễ khai mạc sự kiện |
Hiện nay, Huế và các địa phương đều thiếu nền tảng dữ liệu tập trung; năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, ở Huế chỉ được 5%, thiếu chuyên gia phân tích, khai phá dữ liệu; hoàn toàn chưa có chiến lược dữ liệu. Các diễn giả đều thống nhất, để tạo đột phá, Thừa Thiên Huế cần đi đầu trong phát triển hạ tầng dữ liệu.
Việc phát triển bao gồm: Nền tảng thu thập, kết nối liên thông, chia sẻ, phân tích dữ liệu; Hoàn thiện hệ thống chính sách trong việc hoạch định, chia sẻ dữ liệu - phá vỡ tình trạng cát cứ dữ liệu; phát triển con người - chuyên gia khai phá dữ liệu. Những đột phá, đi đầu về tư duy, hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu sẽ tạo ra sự đột phá chuyển đổi số, đột phá về phát triển kinh tế số, xã hội số cho Thừa Thiên Huế.
huyển đổi số phát huy sức mạnh di sản văn hóa
Chuyên đề 2 với chủ đề: Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh di sản - văn hoá - Tạo đà phát triển kinh tế số. Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO.
Với hệ thống di sản đồ sộ, Thừa Thiên Huế kỳ vọng: Đẩy mạnh chuyển đổi số các di sản văn hóa nhằm phát huy sức mạnh của các di sản văn hóa, tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới. Sự phát triển của ngành du lịch tại Huế sẽ tạo đà phát triển đột phá kinh tế - xã hội tại địa phương. Các chuyên gia, diễn giả đã tập trung bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch số hóa các di sản văn hóa.
Đây đồng thời cũng là một chủ trương lớn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Những giải pháp VR, 3D đã, và đang được đẩy mạnh tại các địa phương, giúp công tác bảo tồn, lữu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa được dễ dàng. Việc hoàn thiện số hóa các di sản văn hóa là cơ sở, là dữ liệu cho bước phát triển tiếp theo. Các chuyên gia đề xuất Huế cần sớm hoàn thiện Hệ thống du lịch thông minh – Smart Tourism để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Huế.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm |
Hỗ trợ chuyển đổi số một các thực chất, hiệu quả, phù hợp với địa phương
Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2022 là kết quả của sự hợp tác giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm mục đích đưa công tác Chuyển đổi số bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất và hiệu quả.
10 biên bản ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và các sở, ngành của Thừa Thiên Huế bao gồm: Du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Du lịch, Thông tin và truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Ngay sau lễ ký kết, các cuộc làm việc song phương giữa các doanh nghiệp và sở ngành cũng được bố trí trực tiếp trong khuôn khổ hội nghị nhằm tham vấn kế hoạch chuyển đổi số cho các sở, và bàn thảo phương thức triển khai ngay các nhiệm vụ. Điều này thể hiện sự quyết liệt, thực chất và cam kết đồng hành của VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số trong chuyển đổi số các địa phương nói chung và Huế nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Tuần lễ cũng hướng đến công tác chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả với các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm các giải pháp số. Thông qua Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có được những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương nói chung”
Bên cạnh các phiên hội nghị chuyên đề, Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022 còn tổ chức Triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp số với 25 gian hàng; và chuyên đề Giao lưu sinh viên với chủ đề: Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ mời các chuyên gia chia sẻ với hàng trăm sinh viên tại Huế đặc biệt là sinh viên CNTT - nhằm truyền cảm hứng cho lực lượng nhân lực số tương lai cho Huế.
Phạm Lê