- Khó có thể tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng với Ford Ranger ở phân khúc bán tải nhưng có vẻ Toyota Việt Nam đã tìm được lối thoát khi mà Toyota Hilux 4x4 MT đang trở thành đổi thủ thực sự với mẫu bán tải Mỹ?
Nhiều năm trở lại đây, phân khúc xe bán tải tại thị trường Việt Nam vốn là sân chơi của Ford Ranger với doanh số áp đảo tất cả các đối thủ. Để cạnh tranh lại với ông lớn này, Toyota Việt Nam đã cẩn trọng trong việc định hướng trang bị cho mẫu Hilux mới, đặc biệt làm nhắm vào phân khúc giá rẻ hơn với hệ thống truyền động khá tương đồng với Ford Ranger trong khi tăng cường nhiều tính năng đáng chú ý khác.
Ford Ranger XL liệu sẽ tiếp tục hút khách sau sự xuất hiện của Toyota Hilux 2.4L 4x4 MT. TGPT |
Tuy áp đảo với các phiên bản đa dạng với giá bán cao nhưng Ford Ranger không quên để lại dấu ấn ở phân khúc giá rẻ với phiên bản XL sở hữu hộp số sàn nhưng đi kèm với hệ dẫn động 4 bánh (4WD), những trang bị khiến người đam mê và có nhu cầu căn bản nhất đối với một bán tải, đánh giá cao.
Với giá bán đều chưa đầy 670 triệu đồng, phiên bản tiêu chuẩn của Toyota Hilux lần này (2.4L 4x4 MT) liệu sẽ giúp phân khúc bán tải sôi động hơn hay Ford Ranger XL 2.0L 4x4 MT sẽ tiếp tục là sự lựa chọn đối với các dân chơi bán tải đích thực cũng như những người mua xe phục vụ cho việc kinh doanh?
Xuất xứ của 2 mẫu xe khác biệt hoàn toàn khi hầu hết các phiên bản Ford Ranger đều được lắp ráp trong nước và XL 2.0L 4x4 MT cũng không phải ngoại lệ, trong khi Toyota Hilux được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với giá bán phiên bản tiêu chuẩn thấp hơn chỉ 1 triệu đồng so với đối thủ.
Về kích thước, hai mẫu xe bán tải này này có chênh lệch về chiều rộng, chiều cao và trục cơ sở nghiêng về phía Ford Ranger nhưng chiều dài tổng thể, kích thước thùng xe và khoảng sáng gầm xe của Toyota Hilux lại nhỉnh hơn. Điều này cho thấy khoang cabin của mẫu bán tải Mỹ sẽ cho không gian rộng rãi hơn nhưng Hilux sẽ có khả năng chờ đồ ở thùng sau tốt hơn.
Ngoại hình của hai mẫu xe bán tải Ford Ranger và Toyota Hilux đều hướng đến vẻ ngoài nam tính, cứng cáp và hầm hố. TGPT |
Các thông số khác của hai mẫu xe này cũng khá cân bằng, hệ thống treo trên các phiên bản thấp nhất này hầu hết đều có phía trước dạng tay đòn kép và phía sau dạng phụ thuộc với nhíp lá. Tuy nhiên, đáng chú ý khi Ford Ranger XL lại sử dụng bánh mâm kích thước 16 inch, nhỏ hơn so với Toyota Hilux 2.4L 4x4 MT.
Các mẫu xe này đều có điểm chung là sử dụng động cơ diesel với hệ thống tăng áp (turbodiesel) nhưng lại có sức mạnh khác nhau, mẫu bán tải của Mỹ có công suất và mô-men xoắn cực đại cao hơn nhưng sẽ đạt ngưỡng cao nhất chậm hơn so với mẫu xe Toyota Hilux.
Đáng quan tâm ở phân khúc này, cả Ford Ranger XL và Toyota Hilux 2.4L 4x4 MT có sự tương đồng về trang bị hệ thống truyền động với hộp số sàn 6 cấp kết hợp hệ dẫn động 4 bánh, và đương nhiên cũng có thêm các tính năng gài cầu điện tử và khóa vi sai cầu sau. Nhưng mẫu xe bán tải của Mỹ được trang bị trợ lực lái điện cho khả năng lái nhẹ nhàng hơn nhưng không mang cảm giác thật bằng dạng thủy lực của Toyota Hilux.
Dường như cả 2 phiên bản tiêu chuẩn của Ford Ranger và Toyota Hilux đều được tiết kiệm về trang bị ngoại thất để có được giá bán tốt. Theo đó, đèn chiếu sáng đều sử dụng dạng Halogen giá rẻ ở cả phía trước và sau, không trang bị riêng đèn chạy ban ngày và đèn sương mù. Tuy nhiên, mẫu xe bán tải của Nhật Bản sở hữu ăng ten vây cá có tính thẩm mỹ cao hơn so với đối thủ.
Khoang nội thất của Ford Ranger XL hiện đại nhờ vào cụm đồng hồ và màn hình giải trí dạng dọc. TGPT |
Trong khi đó, khoang nội thất của 2 mẫu xe này vẫn sở hữu các trang bị cơ bản, điển hình như: Bọc ghế vải nỉ, ghế lái đều chỉnh cơ, vô lăng nhựa, điều hòa chỉnh cơ, gương chiếu hậu bên trong có thể chuyển qua 2 chế độ ngày/đêm cùng với đó là hệ thống âm thanh 4 loa với các kết nối cơ bản và Apple CarPlay/Android Auto. Ford Ranger XL gây ấn tượng với cụm đồng hồ LCD toàn bộ với kích thước 8 inch, màn hình giải trí cảm ứng 10 inch cỡ lớn và cửa kính 1 chạm cho 2 ghế trước; tron khi Toyota Hilux 2.4L 4x4 MT cũng có một số tính năng đặc sắc, đáng chú ý nhất là cửa gió cho hàng ghế sau.
Về tính năng an toàn, Toyota Hilux 2.4L 4x MT cho thấy sự vượt trội của một "kẻ đi sau" dù vẫn tiết kiệm với việc bỏ các trang bị camera, cảm biến hỗ trợ đỗ xe hay kiểm soát hành trình nhưng vẫn có hàng loạt các tính năng vượt trội hơn trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Ford Ranger XL.
Điển hình trong số các trang bị của mẫu xe bán tải Nhật Bản là 7 túi khí, vẫn có các tính năng cơ bản đang thiếu trên đối thủ như: Cân bằng thân xe điện tử, kiểm soát lực kéo và hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Điều này có thể thu hút khách hàng hơn đặc biệt là khi giá bán của 2 mẫu xe không có chênh lệch nhiều.
Có thể thấy, mỗi mẫu bán tải lại mang đến những ưu điểm khác nhau và doanh số đã chứng minh nhu cầu của người tiêu dùng dành cho phân khúc này, đặc biệt là đối với các phiên bản giá rẻ nhất. Cho đến thời điểm này, Ford Ranger vẫn là mẫu xe thu hút khách hàng với sự đa dạng về phiên bản cũng như dồi dào về trang bị ở các phân khúc giá cao.
Tuy nhiên, cuộc chơi ở phân khúc giá bán thấp và hướng đến các đối tượng đặc thù có thể sẽ khiến Ford Ranger XL gặp khó khăn khi Toyota Hilux mới vừa ra mắt thị trường có một số ưu điểm vượt trội hơn và giá bán tương đồng. Mẫu xe Nhật Bản sẽ là một lựa chọn hoàn toàn có thể cân nhắc nếu người mua không quá quan trọng công suất của động cơ diesel và mong muốn có trải nghiệm mới mẻ cùng khả năng chở đồ tốt hơn.
Hoàng Nguyễn
Theo Thế Giới Phương Tiện