- Không ít nhà sản xuất ô tô dùng biểu tượng, thậm chí đặt cả tên con Rồng để đặt cho các thương hiệu và sản phẩm của mình với kỳ vọng sẽ gặt hái được thành công và sự thịnh vượng...
Tết Nguyên đán - Ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam đã đến. Đó là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ tính theo Âm lịch và năm nay chính là Giáp Thìn với con vật đại diện là Rồng (theo Phương Đông) đầy quyền uy và mạnh mẽ.
Hình ảnh rồng có xuất hiện trên một số sản phẩm ô tô. |
Do đó, loài rồng được người Á Đông (đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam) tôn sùng, ngưỡng mộ và thậm chí là thờ phụng. Nhiều sản phẩm liên quan đến rồng cũng được tạo ra như một chiến lược kinh doanh với kỳ vọng chúng sẽ mang lại thành công nhờ vào danh tiếng của loài vật “thần thánh” đối với người dân Á Đông.
Thị trường ô tô cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều sản phẩm đã được gắn tên loài rồng, nhưng người người Á Đông thường đặt nhãn hiệu với tư tưởng về loài vật quyền uy trong truyền thuyết, mang đến sự may mắn và thuận lợi. Trong quãng thời gian nghỉ ngơi của thị trường ô tô Việt Nam, hãy cùng Thế Giới Phương Tiện bàn luận về những điểm đáng chú ý liên quan đến rồng và ô tô.
Rồng trong quan niệm của người Á Đông
Cùng có tên gọi “Rồng” hay "Dragon" (tiếng Anh) và đều xuất hiện chủ yếu trong thần thoại, nhưng con vật của châu Âu thường được mô tả là loại vật hung tợn và tàn ác và có cánh như dơi; trong quan niệm người Á Đông (ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa), rồng là con vật cũng có khả năng bay nhưng không có cánh, với 9 bộ phận từ những con vật khác gồm: Gạc của nai, đầu lạc đà, mắt của quỷ, cổ rắn, bụng ngao, vảy cá chép, móng vuốt của đại bảng, bàn chân của hổ, tai của bò.
Hình ảnh rồng theo quan niệm của người Á Đông. |
Đồng thời, rồng còn có nguồn gốc rất thể hiện sự trường sinh bất tử cùng sức mạnh rất lớn, đại diện của các thế lực nguyên thủy của tự nhiên và trí tuệ, mang đến sự thịnh vượng và yên lành cho người dân, đặc biệt trong ngành nông nghiệp khi có thể tạo ra mưa để cung cấp nước cho cây trồng.
Truyền thuyết về rồng ở Á Đông cũng rất thú vị khi cá chép có thể vượt vũ môn để hóa rồng, điều này cũng tượng trưng cho sự nỗ lực và may mắn, cùng với đó cá chép cũng được chọn trở thành con vật đưa ông Công ông Táo lên trên vào ngày 23 tháng chạp hàng năm.
Hình tượng con rồng trước đây cũng được trân trong và tôn sùng từ các triều đại phong kiến Trung Hoa, đại diện cho sự thống trị theo thiên mệnh của giới cầm quyền. Còn ở Việt Nam, từ nguồn gốc, người cổ xưa đã nhận mình là "con Rồng, cháu Tiên", và cũng trở thành cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật từ xưa đến nay.
Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên được dựng thành phim hoạt hình. |
Tượng rồng vẫn thường xuyên xuất hiện trong các công trình kiến trúc mang tính tôn giáo và linh thiêng, đồng thời xuất hiện trong các điệu múa, lễ hội và các vật phẩ để cầu bình an và may mắn. Nhiều cặp vợ chồng cũng thường chọn năm rồng (Thìn) để sinh con với mong ước con mình có được cuộc sống thịnh vượng, làm được việc lớn và hạnh phúc trong tương lai.
Hình tượng Rồng trong ngành ô tô
Từ lâu, rồng đã là con vật linh thiêng nhưng chủ yếu đối với người dân Á Đông; và khi các thương hiệu ô tô Trung Quốc bắt đầu nổi lên, các tên liên quan đến rồng thường xuyên được lấy làm nhãn hiệu cho các sản phẩm do danh tiếng của loại vật thần thoại này.
Nhưng chưa cần nói đến Trung Quốc, ngay tại Việt Nam cũng đã có VinFast với phiên bản Hỏa Long Độc Bản (Dragon Forged) dành cho VF 7 nhằm kỷ niệm năm mới Giáp Thìn, số lượng xe chỉ giới hạn chỉ 68 chiếc và giá bán cao hơn bản thường không đáng kể. Phiên bản giới hạn này được VinFast mô tả là biểu tượng của sự đam mê và lòng kiêu hãnh, lựa chọn của những người kiếm tìm sự độc đáo và đẳng cấp.
VinFast VF 7 phiên bản Hỏa Long Độc Bản. |
Tại Việt Nam, VinFast VF 7 phiên bản Base được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 130 kW (174 mã lực), mô-men xoắn cực đại 250 Nm cùng bộ pin dung lượng 59,6 kWh, cho phép di chuyển quãng đường tối đa 375 km/lần sạc đầy (theo tiêu chuẩn WLTP). Phiên bản Plus sử dụng hai động cơ điện trên hai trục bánh xe, cho tổng công suất tối đa lên tới 260 kW (tương đương 349 mã lực) và mô-men xoắn cực đại 500 Nm, với bộ pin dung lượng 75,3 kWh, giúp xe có thể di chuyển quãng đường tối đa lên tới 431 km/lần sạc đầy.
Cũng vào cuối năm ngoái, hãng xe Trung Quốc Great Wall Motor (GWM) đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp mẫu xe Haval Xiaolong Max (Xiaolong có nghĩa Tiểu Long) tại Việt Nam. Mẫu xe này là crossover hạng D được ra mắt tại triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng 5/2023 cùng với "người anh em" Haval Xiaolong cạnh tranh trong phân khúc crossover hạng C.
Haval Xiaolong Max đã được đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. |
Trước đó, GWM cũng đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho một mẫu xe khác liên quan đến rồng tại Việt Nam, đó là mẫu xe thể thao Saloon Mecha Dragon (hay Jijia Long), sau đó thương hiệu Saloon đã được hủy bỏ và mẫu Mecha Dragon được chuyển nhượng sang thương hiệu Ora. Được giới thiệu lần đầu tại triển lãm ô tô Quảng Châu năm 2021 và sau đó xe được sản xuất và bán ra với số lượng hạn chế.
Mẫu xe Saloon Mecha Dragon được GWM giới thiệu cách đây ít năm. |
Thương hiệu Wuling cũng có một mẫu xe tên Dragon đã bán ra tại Trung Quốc, đây là mẫu xe tải và tải Van cỡ nhỏ có chiều dài tổng thể chỉ khoảng 3,5 mét và đã bị khai tử sau năm 2010. Thực tế, mẫu xe này có liên quan đến xe cỡ nhỏ Mitsubishi Minicab đã được Wuling ký kết thỏa thuận lắp ráp trước đó.
Ngoài ra, thương hiệu xe siêu sang Anh Quốc Rolls-Royce, nổi tiếng với độ chiều khách với nhiều phiên bản giới hạn và cá nhân hóa Bespoke, cũng đã tung ra 4 mẫu xe bản giới hạn "Year of the Dragon" để kỷ niệm dịp Tết Âm lịch năm nay; trong đó có 3 mẫu Phantom Extended và 1 mẫu Cullinan.
Ngoại hình của mẫu Rolls-Royce Cullinan phiên bản Year of the Dragon. |
Thông số kỹ thuật của xe không thay đổi nhiều nhưng các xe này được trang trí mang nhiều nét Á Đông, đặc biệt là biểu tượng con rồng Á Đông được vẽ tay độc đáo trên bảng táp-lô, cùng với đó là biểu tượng rồng trên tựa đầu cùng đèn trần Starlight Bespoke cũng có hình ảnh rồng kết hợp bởi 677 ngôi sao.
Trước đó, vào năm 2012, Rolls-Royce cũng tung ra phiên bản đặc biệt của mẫu Phantom dành cho năm rồng (Nhâm Thìn). Tại Việt Nam, đã có một số chiếc Phantom "Rồng" được đưa về, của các đại gia ở TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Hà Tĩnh...
Khoang nội thất của Rolls-Royce phiên bản đặc biệt Year of the Dragon. |
Ít người biết rằng, cái tên Dragon cũng từng được sử dụng cho một thương hiệu ô tô của phương Tây, đó là công ty Dragon Automotive với logo hình con rồng phương Đông, nhưng hãng xe có trụ sở tại Mỹ này chỉ tồn tại được 2 năm với chỉ 3 mẫu xe, kéo dài từ năm 1906 đến năm 1908.
Bên cạnh những mẫu ô tô và thương hiệu trên, một số sản phẩm khác cũng mang nhãn hiệu Dragon như mẫu Kaiser Dragon (Mỹ) được bán ra năm 1953 và cũng sớm bị khai tử sau đó, cùng với đó là mẫu SUV thuần điện Drako Dragon (dựa trên xe điện Fisher Karma) ra mắt vào cuối năm 2022 với công suất động cơ lên tới 2.000 mã lực.
Như vậy, trong suốt lịch sử ngành ô tô, con rồng đã xuất hiện trên không ít tên mẫu xe và thương hiệu, dù có kết quả kinh doanh chưa đủ tốt nhưng con rồng vẫn được nhiều hãng ưa chuộng dùng để đặt tên, mang đến hy vọng về sự may mắn và thịnh vượng trong tương lai.
Năm mới Giáp Thìn đã đến, Thế Giới Phương Tiện xin kính chúc quý độc giả an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!
Hoàng Nguyễn
Theo Thế Giới Phương Tiện