- Ngủ gật sau tay lái mối nguy hiểm cực kỳ nghiêm trọng, bởi chỉ một tích tắc mất kiểm soát cũng để lại những hậu quả ghê gớm. Vậy làm thế nào để hết buồn ngủ khi đang lái xe?
Bạn có biết:
Biểu hiện của cơn buồn ngủ không đơn thuần là việc bạn muốn nằm xuống đánh một giấc, mà là một quá trình khá dài. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang không tỉnh táo khi lái xe:
- Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
- Bạn không thể tập trung, mắt nháy liên tục và khó mở mắt
- Đầu óc bị phân tán và xao động
- Ngáp không dừng và dụi mắt liên tục
- Không thể giữ đầu thẳng như bình thường
- Bạn không thể nhớ số km của hành trình vừa trải qua
- Bỏ qua các dấu hiệu hoặc cảnh báo giao thông
- Đi chệch làn đường, lái xe loạng choạng
Vậy nguyên nhân từ đâu?
- Các chuyến đi dài, với đường thẳng và vắng (thường là trên đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh)
- Các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể đòi nghỉ ngơi: Khoảng từ 10h tối đến 5 h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều và đặc biệt là sau bữa cơm trưa.
- Sau một đêm ngủ ít hơn bình thường.
- Uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ.
- Sau khi hoạt động quá sức: làm việc đêm, làm việc nặng trong thời gian dài…
Và dưới đây là một số cách giúp bạn hết buồn ngủ khi lái xe:
1. Cà phê hoặc nước tăng lực sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn; tuy nhiên, sau khi uống khoảng 30 phút, các loại đồ uống này mới có tác dụng với thần kinh.
2. Với những chuyến đi dài, nhất là về ban đêm hãy cố gắng thay đổi tầm nhìn thường xuyên để mắt không bị mỏi, tránh nhìn quá lâu vào một điểm cố định.
3. Mở cửa sổ lấy thêm dưỡng khí, nghe nhạc và hát theo, nhai kẹo cao su cũng là một cách giúp bạn tỉnh táo hơn.
4. Dừng xe, đi bộ quanh xe 5 - 10 vòng, vận động cơ thể để lấy lại sự tỉnh táo.
5. Nếu những cách trên không có tác dụng, tốt nhất bạn nên dừng xe để chợp mắt 10 - 15 phút. Tuy nhiên, không nên dừng xe ở lề đường, làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc những chỗ vắng vẻ. Trạm xăng hay trạm dừng/nghỉ trên trên đường là những chỗ an toàn nhất.
Kim Dung