- Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện tại là chưa phù hợp do lo ngại nhiều vấn đề khác nhau.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết số 31/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã được giao việc nghiên cứu về chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, công văn của Bộ Tài chính cho thấy quan điểm của bộ là việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện tại là chưa phù hợp do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, khác với 2 lần thực hiện trước đây đều nhằm kích cầu trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp.
Bộ Tài chính cho rằng, dù việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã đạt các mục tiêu đề ra nhưng đươc đánh giá có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các cam kết quốc tế, về vấn đề công bằng trong cạnh tranh theo các tổ chức thương mại trên toàn cầu.
Điều này (không giảm lệ phí trước bạ cho xe CKD) cũng hoá giải những bức xúc của các nhà phân phối uỷ quyền chính thức tại Việt Nam khi mới đây, 10 nhà nhập khẩu ô tô chính thức tại Việt Nam lo ngại về việc phân biệt đối xử, gây tác động đến việc kinh doanh, nên đã gửi văn bản kiến nghị tới Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường - cả xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài - đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, nếu thực hiện đồng đều cho cả ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc thì sẽ "dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước".
Theo dự báo, thị trường ô tô năm nay có thể sẽ khó khăn hơn, vẫn có khả năng tăng trưởng nhưng ở mức không quá cao. Thống kê từ VAMA cho thấy các hãng xe thành viên đã bán được tổng cộng 40.354 ô tô các loại trong 2 tháng đầu năm 2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47%.
Một số thông tin mới đây cho thấy các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Các Nhà nhập khẩu Ô tô Chính hãng Việt Nam (VIVA) - đơn vị tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) hàng năm - dự kiến sẽ không tiếp tục sự kiện này trong năm 2023 và triển lãm có thể trở lại trong năm sau.
Hoàng Nguyễn
Theo Thế Giới Phương Tiện