- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế bảo đảm cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung…
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, vật tư y tế
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác về công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, Bộ đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Về mặt thể chế, chính sách, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế…;
Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu, nhất là đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế bảo đảm cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung, tập trung cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã,...
Làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe nhân dân
Phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề tính mạng, sức khoẻ của nhân dân luôn hết sức cấp bách. Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục làm rõ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân (do đại dịch COVID-19, những tồn tại yếu kém, những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách).
"Qua đại dịch COVID-9, những bất cập, yếu kém về cơ chế, chính sách của ngành y tế đã bộc lộ rõ như chưa tính đến tình huống xảy ra đại dịch, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp. Đây là bài toán, là yêu cầu của nhân dân đặt ra cho ngành y tế", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế tập trung xem xét cơ chế, chính sách về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế, xã hội hoá y tế…
Đối với những vấn đề cấp bách, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải tập trung giải quyết theo tuần, theo tháng, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng… từ Trung ương đến địa phương, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, ngành y tế tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế cũng cần sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.