Nhà ở xã hội nhưng giá quá cao, người thu nhập thấp không mua nổi; nhiều người ở nhà xã hội nhưng đi xe hơi, còn khiếu nại vì sao không có bãi để xe... Đây là vấn đề làm nóng kỳ họp HĐND Bình Định.
Chiều 10/12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII bế mạc với nhiều nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
Giá nhà ở xã hội cao "ngang ngửa" nhà thương mại
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là rất cao nhưng nhiều người lại không mua nổi vì giá cao.
Hiện giá nhà ở xã hội ở Bình Định bình quân từ 700-900 triệu đồng/căn nên đa số người dân thu nhập thấp không có tiền mua để an cư lập nghiệp.
"Người có nhu cầu thực sự thì không có tiền mua, trong khi không ít người mua nhà ở xã hội lại đi ô tô. Đã vậy khi tiếp xúc cử tri lại còn khiếu nại tại sao không bố trí bãi đỗ xe hơi tại khu nhà ở xã hội", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, nhà ở xã hội mà đi xây vật liệu cao cấp nên đẩy giá lên cao, trong khi người dân chưa cần đến nhu cầu đó.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng nên bàn giải pháp để người thu nhập thấp được vay nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội.
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đến nay tỉnh này đã và đang triển khai 18 dự án với hơn gần 11.000 căn nhà ở xã hội nhưng số người thu nhập thấp mua còn hạn chế.
Ông Bảo cho rằng, lý do là một số chủ đầu tư sử dụng vật liệu xây dựng loại tốt, căn hộ nhà ở xã hội có chất lượng không thua nhà ở thương mại mức trung bình nên giá bán cao. Trong khi đó, Sở chưa kiểm soát ngay từ đầu giá vật liệu đầu vào.
"Sắp tới, 8 dự án nhà ở xã hội mà chúng tôi đang thẩm định sẽ lưu ý đến việc này, để giá căn hộ xã hội ở mức 500-600 triệu đồng thì người thu nhập thấp mới mua được, còn giá bán như hiện nay thì rất khó khăn cho người dân", ông Bảo nói.
Xe ô tô đỗ kín khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (Ảnh: Doãn Công). |
"Nóng" lấn chiếm xây dựng trái phép, khai thác cát trái phép
Tại kỳ họp, cử tri các địa phương đề nghị ngành chức năng làm rõ trách nhiệm cũng như các biện pháp khắc phục tình hình lấn chiếm đất đai, cất nhà trái phép đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn); tình trạng khai thác, mua bán cát trái phép diễn biến phúc tạp nhưng không có biện pháp xử lý…
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm xây dựng trái phép, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho hay, đến nay các ngành địa phương đã xác định được 47 trường hợp sử dụng đất vi phạm lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép, các trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Quy Nhơn.
UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn giải quyết thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đất đai và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng.
Ngày 8/12, các cơ quan TP Quy Nhơn, phường Ghềnh Ráng đã tổ chức tháo dỡ 4 trường hợp. Các trường hợp vi phạm sẽ tiếp tục cưỡng chế trong thời gian tới.
Về tình trạng mua bán, khai thác cát trái phép, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định thừa nhận, do nhu cầu cát xây dựng trong tỉnh tăng cao, ngoài phục vụ các công trình nhà nước thì nhu cầu người dân xây nhà rất lớn. Do vậy, tại một số địa phương đã xảy ra trình trạng khai thác cát trái phép trên các con sông và khu vực ven biển trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, các xã ven biển huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ.
"Trong thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng một số trường hợp vẫn cố tình vi phạm (khai thác trong ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ và ban đêm)", ông Tùng nói.
Lãnh đạo Sở TN&MT cũng cho biết Sở này đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra khai thác khoáng sản, đã xử lý 112 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt và thu lợi bất chính hơn 3,9 tỷ đồng, trình UBND tỉnh xử lý 8 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt và thu lợi bất chính là hơn 6 tỷ đồng và thu hồi 8 giấy phép khai thác khoáng sản do vi phạm nghĩa vụ đối với nhà nước.
Ngoài ra, UBND cấp huyện và Cảnh sát môi trường xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm về bảo vệ môi trường, với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
(Dân Trí)
https://dantri.com.vn/xa-hoi/o-nha-xa-hoi-nhung-di-xe-hoi-con-khieu-nai-sao-khong-co-cho-do-xe-20221210201158658.htm