- AI đang ảnh hưởng đến chính sách và pháp luật ở nhiều chiều cạnh, từ việc thay đổi phương thức áp dụng pháp luật đến tạo ra các thách thức mới trong khung thể chế, pháp luật và đạo đức; AI có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả trong việc thực thi pháp luật.
Ngày 14/5, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo trọng điểm với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật”.
Khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, ở hầu hết các quốc gia, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội đang thu hút sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân. Nhiều dự báo cho thấy tiềm năng to lớn mà việc phát triển và ứng dụng AI có thể mang tới cho nâng cấp công nghệ, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong lĩnh vực chính sách và pháp luật, sự phát triển của AI đã đặt ra nhiều cơ hội cần được khai thác và những thách thức cần được giải quyết.
AI đang ảnh hưởng đến chính sách và pháp luật ở nhiều chiều cạnh, từ việc thay đổi phương thức áp dụng pháp luật đến tạo ra các thách thức mới trong khung thể chế, pháp luật và đạo đức; AI có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả trong việc thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, các nhà lập pháp của hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trong việc tạo ra các quy định mới để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này, bao gồm đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy của các ứng dụng AI, các vấn đề về đạo đức, bản quyền, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.
Theo TS. Đoàn Trung Kiên, hội thảo hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận những vấn đề có liên quan đến chủ đề hội thảo trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và AI nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận mang tính chuyên môn cao từ nhiều chuyên gia; đồng thời trao đổi các nội dung về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh và phản ứng chính sách của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Thực tiễn của Liên minh Châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam; thực trạng và giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tư vấn pháp luật…
Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên, học viên, các nhà hoạt động thực tiễn với 120 người tham dự trực tiếp tại hội trường và hơn 700 lượt tham dự trực tuyến.