- Ngày 10/5, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Hội nghị "Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung". Tham gia có đại diện của 12 bệnh viện tại miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành Ghép tạng nước ta hiện nay là thiếu nguồn mô, tạng. Đặc biệt, nguồn mô, tạng từ người hiến sau chết não còn rất ít bởi hạn chế về nhận thức và quan niệm của người dân. Do đó, các cấp chính quyền và ngành Y tế, Giáo dục, Hội Chữ thập đỏ… cần chung tay nhằm thay đổi những suy nghĩ, quan niệm truyền thống chưa đúng, đầy đủ của người dân.
Quang cảnh hội nghị |
Hiện nay, Bộ Y tế đang yêu cầu các bệnh viện thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não. Các đơn vị phải có đầu mối để báo cáo nguồn hiến tạng lên Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Khi có số lượng người hiến tạng tiềm năng, Trung tâm sẽ phối hợp với các Sở Y tế, bệnh viện có biện pháp tư vấn, hướng dẫn, thuyết phục các gia đình ủng hộ, đồng ý để người thân hiến tặng mô, tạng khi chết não - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.
Việt Nam đang là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm. Trong đó, tạng từ người hiến chết não chỉ chiếm 6%. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có khoảng 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim. Thời gian qua, nhận thức và mức độ ủng hộ của người dân trên toàn quốc nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng về hiến tặng mô, tạng tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau chết não vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng đang rất lớn.
Hội nghị được tổ chức nhằm phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời, tạo tính thống nhất trong mạng lưới toàn quốc. Qua đó, giải quyết bài toán về nguồn tạng đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân; nâng cao nhận thức và tăng số lượng người đăng ký hiến tạng trong cộng đồng.
Tại đây, đại diện 12 bệnh viện tại miền Trung - Tây Nguyên cùng trao đổi và thảo luận nhằm phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng trong khu vực. Các đại biểu cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung về mặt quản lý; liên kết chặt chẽ từ cơ sở đến bệnh viện tuyến trên để triển khai hiệu quả việc chẩn đoán chết não và tư vấn cho người dân có mong muốn hiến tặng mô, tạng khi chết não.