- Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến. Trẻ em thuộc mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tiếp cận với những công cụ này. Tuy nhiên, AI, Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chưa biết tự bảo vệ bản thân trước tác động tiêu cực của môi trường mạng.
Một số tác động tiêu cực của AI tới trẻ em
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, những tác động của tiêu cực của trí tuệ nhân tạo (AI) đến sự phát triển của trẻ em gồm:
Rủi ro tiếp cận thông tin không phù hợp: Các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT cung cấp cho người dùng những thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet bao gồm cả thông tin không chính xác. Một số thông tin thậm chí không được chọn lọc, đánh giá, sàng lọc theo độ tuổi của người sử dụng đề để xuất câu trả lời phù hợp. Do đó, tìm kiếm có thể hiển thị những thông tin sai lệch hoặc hiển thị cả những nội dung người lớn hoặc bạo lực.
Rủi ro bị phát tán rò rỉ, thông tin riêng tư, thông tin cá nhân: Trẻ em có thể bất cẩn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm nhập dữ liệu trái phép khi sử dụng những ứng dụng cắt phép, chỉnh sửa ảnh, các chatbot trí tuệ nhân tạo.
Rủi ro bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các thử thách nguy hiểm: Đã có những trường hợp đáng báo động khi các nữ sinh ở tuổi vị thành niên tham khảo ChatGPT về thông tin sức khỏe và kế hoạch ăn kiêng. AI có thể cung cấp nhanh chóng những thông tin với kế hoạch chi tiết và lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên những thông tin này không tham chiếu bất kỳ dữ liệu thực tế và chỉ là các tập hợp thông tin ngẫu nhiên trên mạng.
Nếu tiếp xúc với các chatbot AI từ khi còn quá nhỏ, trẻ có thể lầm tưởng trí tuệ nhân tạo là người bạn thật sự và hành động theo những gợi ý. Trong khi đó, những lời khuyên của AI có thể bao gồm nội dung thiên vị, không chính xác, có hại hoặc gây hiểu nhầm.
Tác động tới tâm sinh lý và hành vi của trẻ: Với sự trợ giúp của các công cụ AI, người dùng có thể tìm thấy thông tin về bất kỳ chủ đề nào chỉ bằng một câu hỏi. Chatbot AI đã giúp việc điều hướng thông tin dễ dàng hơn mà không cần mở hàng chục trang web khác nhau và đọc vô số bài viết để tổng hợp thông tin.
Tuy nhiên, việc tương tác quá nhiều với máy móc công nghệ có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo lắng bất an hoặc mất kỹ năng xã hội do ngày càng ít tương tác với người khác. Quá phụ thuộc vào AI làm giảm khả năng học tập, nghiên cứu và làm việc chủ động của trẻ.
Thực hiện nguyên tắc 4T để bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em - đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet.
Theo khảo sát của Google thực hiện năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi.
Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong đại dịch COVID-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình từ 6-7 tuổi…
Trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Internet đã mở ra cơ hội cho trẻ em tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội. Tuy nhiên, các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm cũng đang lợi dụng môi trường mạng để hoạt động, do đó có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em Việt Nam, bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.
Để giảm thiểu các rủi ro của AI tác động đến trẻ, Cục An toàn thông tin cho rằng, cấm trẻ sử dụng không phải là giải pháp hiệu quả. Quan trọng nhất là giáo dục để trẻ nâng cao nhận thức để nhận biết được các rủi ro để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Trong đó, áp dụng nguyên tắc 4T (Tuân thủ - Thông minh - Thận trọng - Tử tể) có thể giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro cho trẻ em khi tiếp xúc với công nghệ, bao gồm:
Tuân thủ: Tuân thủ quy tắc sử dụng internet của nhà cung cấp dịch vụ và chính gia đình nhà trường đã đặt ra. Ví dụ tuân thủ quy tắc của 1 số ứng dụng AI là không dành cho trẻ dưới 13 tuổi. Đồng thời tuân thủ pháp luật.
Thông minh: Trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng thông minh như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn, …
Thận trọng: Nên cảnh giác với những người bạn trên mạng bởi có thể có người giả danh để tiếp cận trẻ. Cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin, hay khi cung cấp thông tin trên mạng… để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.
Tử tế: Cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Dũng cảm, lên tiếng, chia sẻ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm hiểu, ứng dụng một số các công cụ công nghệ có thể hỗ trợ chặn lọc các thông tin không phù hợp cho trẻ em như Cyberpurify kid, Safe Gate Family, BKAV Safe Kid, Mobile Guard for Kid, Safe Zone,…