Cần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

0
0

 - Thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư...

Hôm nay, 29/5, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng".

Tại tọa đàm, Hiệp hội đã công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng ban hành theo Quyết định 17/QĐ-VAFF ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" thực phẩm chức năng.

Chỉ cần vào mạng gõ tìm dòng "chữ thực phẩm chức năng xách tay" sẽ có hàng nghìn kết quả hiện thị. Trên các trang mạng hàng trăm sản phẩm được quảng cáo có công dụng chữa bệnh tim mạch, xương khớp, sỏi thận, ngừa đột quỵ, giải độc gan… thậm chí chữa cả khối u với giá bán từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng/hộp, hoặc có thể cao hơn nếu là hàng Mỹ, Châu Âu...

PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam bức xúc: Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng gây ra những tác hại hết sức nguy hiểm cho xã hội.
PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam bức xúc: Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng gây ra những tác hại hết sức nguy hiểm cho xã hội.

PGS.TS Trần Đáng bức xúc: Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

"Có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng: Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).

Thông điệp mà những lời quảng cáo đưa ra như những quả bom dội vào nhận thức công chúng: Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền; Đánh bay tiểu đường type 1 type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, gia truyền… Không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế"- PGS.TS Trần Đáng lên tiếng.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

"Mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật"- PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cảnh báo, đồng thời cho biết: Thậm chí qua thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm (theo quy định Bộ Y tế đã ban hành) trong thành phần.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Về pháp luật đã có chế tài, quy định xử lý vi phạm quảng cáo. Đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh.

Vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng
Vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho hay "theo quy định người phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã thẩm định". Tuy nhiên, cái khó cho cả cơ quan quản lý (dược, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, thông tin truyền thông) là những quảng cáo trên mạng xã hội đa phần đều có máy chủ ở nước ngoài.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng của Hiệp hội vừa công bố.

Trong bản quy tắc đạo đức có những khái niệm rất mới: Người phát hành quảng cáo, người phát hành dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đây là những đối tượng có thể tạo ra sự chuyển đổi tích cực.

Theo đó, người phát hành quảng cáo có thể là cơ quan báo chí điện tử, dẫn đường link về thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn là những trang thông tin không phép, trang chạy quảng cáo, có thể tạo ra bằng công nghệ - trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra những trang quảng cáo thực phẩm chức năng.

Nhà phát hành quảng cáo còn là những nền tảng xuyên biên giới. Nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo trên các nền tảng này là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. Nội dung miễn phí chiếm nhiều thời gian và gây nghiện.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng".

"Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực kiểm soát quảng cáo. Việc Bộ có thể làm là công bố những mạng lưới công nghệ có nhiều quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp biết mà tránh. Hiện nay luật quảng cáo đang "vắt" qua nhiều cơ quan và chưa rõ trách nhiệm.

Do sức quản lý có hạn nên không tiền kiểm mà để hậu kiểm gây ra hệ lụy xã hội lớn. Giữa các cơ quan chức năng có thể làm tốt hơn nữa quy trình phát hiện, quản lý, xử lý…" Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đưa ra ý kiến và cho rằng: Quản lý văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng (người chuyển tải sản phẩm quảng cáo) cần có quy định hợp lý hơn nữa.

PGS.TS Trần Đáng nhận định, Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ là "kim chỉ nam", là định hướng cho các hội viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thực hiện quảng cáo có đạo đức –vì lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trước hết và trên hết;

Đồng thời Quy chế này còn gợi mở để xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp thực phẩm chức năng, nhà phát hành quảng cáo và người tiêu dùng nhận biết những quảng cáo thực phẩm chức năng chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức để từ đó đấu tranh với những hành vi vi phạm và có biện pháp hạn chế kịp thời".

"Hiệp hội mong muốn các hội viên áp dụng đạo đức, tuân thủ đạo đức trong quảng cáo để giữ thị trường thực phẩm chức năng lành mạnh"- PGS.TS Trần Đáng nói.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.