- VKSND tối cao dự kiến đưa Luật Tương trợ tư pháp về hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15/4, trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đang điều chỉnh cả 4 lĩnh vực, một số điều luật thuộc phần quy định chung khi áp dụng cho hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn đến trên thực tế một số cơ quan có thẩm quyền và cán bộ thực thi pháp luật chưa phân định rõ sự khác nhau giữa các lĩnh vực, từ đó gây khó khăn, vướng mắc trong phối hợp triển khai, thi hành.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, việc tách Luật Tương trợ tư pháp thành 04 luật độc lập điều chỉnh từng lĩnh vực và ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp và cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp;
Kế thừa, phát huy các quy định còn phù hợp về Tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành; khắc phục những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Việc xây dựng luật cũng hướng đến bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước hiện hành; thống nhất, đồng bộ với các dự án Luật cùng được tách ra; Bảo đảm sự phù hợp với các Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự quy định các nguyên tắc, quy định chung, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự.
Về đối tượng áp dụng, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam.
Luật được xây dựng với 3 chính sách:
Xây dựng cơ sở pháp lý ở tầm luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dành cho nhau sự hợp tác, tương trợ tối đa;
Quy định có hệ thống, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự;
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Cơ quan trung ương về Tương trợ tư pháp về hình sự với các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoạt động Tương trợ tư pháp về hình sự.
VKSND tối cao dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).