- Việt Nam đang rất nỗ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp này trên toàn cầu, và coi vi mạch bán dẫn là động lực để phát triển nền kinh tế. Và để đạt được điều đó, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn là vô cùng quan trọng.
Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao TPHCM) vừa phối hợp cùng ASIC Technologies và Keysight Technologies (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo “Công nghệ đo kiểm vi mạch bán dẫn trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển và sản xuất”.
Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan về quy trình thiết kế vi mạch, đặc biệt là quy trình và công nghệ đo kiểm, thiết bị tiên tiến phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu, phát triển và sản xuất vi mạch bán dẫn tới các trường, viện, doanh nghiệp và đơn vị liên quan chức năng.
Các đại biểu tham quan khu vực triễn lãm thiết bị. |
Đồng thời đây cũng là dịp để các trường, viện, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan học hỏi và tiếp thu các thông tin, kiến thức quan trọng cũng như xu hướng phát triển nhân lực từ những chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn..
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM chia sẻ, Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Khu Công nghệ cao TPHCM) ra mắt và đi vào hoạt động vào tháng 9/2023.
Việc trung tâm ra đời đã tiên phong tạo ra hệ sinh thái đào tạo thiết kế vi mạch, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở hai công đoạn đang được tập trung là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái nghiên cứu, đào tạo vi mạch bán dẫn, sự tham gia và hỗ trợ từ các đối tác như ASIC, Keysight là rất đáng quý, giúp bổ sung khâu đo kiểm nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.
Cũng tại hội thảo, Bà Suh Wei Lee, Quản lý đối tác Việt Nam, Keysight Technologies cho biết, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và thiết kế IC có vai trò vô cùng quan trọng, là xương sống của công nghệ hiện đại ngày nay, và là tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ. Vi mạch xuất hiện ở mọi ngõ ngách của cuộc sống như điện thoại thông minh, máy tính, ô tô, thiết bị y tế, và rất nhiều công nghệ ứng dụng của tương lai.
“Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang rất nỗ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp này trên toàn cầu, và coi vi mạch bán dẫn là động lực để phát triển nền kinh tế. Và để đạt được điều đó, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn là vô cùng quan trọng. Chúng tôi cam kết cung cấp các công cụ và chuyên môn cần thiết nhằm đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của ngành vi mạch rất sôi động tại Việt Nam”, bà Suh Wei Lee nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Anh Quân, phó Giám đốc ASIC Technologies, đại diện phân phối Keysight Technologies bày tỏ hy vọng thông qua hội thảo sẽ giúp ích một phần phát triển cho đội ngũ nhân lực và công nghệ vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
“Vi mạch bán dẫn là một ngành đặc thù, trong đó sự phối hợp giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy là yếu tố then chốt để cung cấp kiến thức và kỹ năng thực tế cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra, và rút ngắn thời gian đào tạo tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, ASIC rất hy vọng có thể đồng hành cùng nhà trường, cùng các đơn vị đào tạo, để hỗ trợ trong quá trình vận hành chương trình giảng dạy, hướng tới quá trình hợp tác bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”, ông Quân nói.
Vi mạch bán dẫn hiện được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tại Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định hướng trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.