- TP.HCM đề xuất quy định Chủ tịch UBND TP được phân cấp hoặc ủy quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết…
Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố, TP. Hồ Chí Minh đề xuất quy định Chủ tịch UBND Thành phố được phân cấp hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đóng góp ý kiến cho quy định này, các vụ thuộc Bộ Tài chính cho rằng, thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, đối với Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án đối với: (i) Tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp và (ii) tài sản khác có giá trị lớn theo quyết định của UBND cấp tỉnh; Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án đối với các tài sản còn lại. Vì vậy, đề nghị UBND Thành phố căn cứ vào yêu cầu quản lý của địa phương để quyết định giá trị của tài sản làm cơ sở phân định thẩm quyền phê duyệt đề án.
Đối với Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án sau khi có ý kiến bằng văn bản của Thường trực HĐND cùng cấp.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Chủ tịch Ủy ban UBND cấp tỉnh có quyền ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, đối với các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phép ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đối với các vấn đề như báo cáo của UBND Thành phố chủ yếu liên quan đến việc các đơn vị sử dụng tài sản làm căn tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao đồng,… tại đơn vị.
Đối với nội dung này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (hiện đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 182/TTr-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2023) đã bổ sung quy định để phân định rõ các trường hợp phải lập Đề án và các trường hợp không phải lập Đề án. Theo đó, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị (như cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác,..), đơn vị không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Góp ý cho quy định của Dự thảo, Bộ Tư pháp cho biết, Điểm a khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: “Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm thẩm định để trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này quyết định hoặc có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và không giao Chính phù.
“Vì vậy, việc quy định này nội dung này tại dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với Luật Quản lý sử dụng tài sản công” - Bộ Tư pháp kết luận.
Giải trình cho việc đề xuất phân cấp lĩnh vực này, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong quá trình thực hiện, Thành phố đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc trong việc lập, thẩm định và phê duyệt Đề án, cụ thể: (i) Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố quá lớn (khoảng 1.888 đơn vị); (ii) Số lượng Đề án khá lớn; (iii) Chi tiết theo Mẫu 02/TSC-ĐA ban hành kèm Nghị định số 151/2017/NĐ-CP có nhiều nội dung liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, đơn vị phải nghiên cứu, rà soát và phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để có ý kiến về sự cần thiết sự phù hợp của Đề án với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo tính khả thi và tính hiệu quả của Đề án... Trong khi, đa số các Đề án của các đơn vị đều nhằm mục đích làm căng tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... tại đơn vị.
“Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, Thành phố đề xuất chính sách phân cấp hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện” - Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.