- Ngày 28/02 vừa qua, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra lễ tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” theo hình thức trực tiếp tại ĐHQGHN kết hợp trực tuyến bởi Trung tâm Nghiên cứu về Liêm chính Tài chính & Doanh nghiệp, Đại học Coventry, Vương quốc Anh.
Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” (The project “Empowering women leadership in higher education towards digitalization and globalization ages” - EWL) được tài trợ bởi Hội đồng Anh và sự chủ trì, tham gia của các đơn vị: ĐHQGHN (Viện Công nghệ Thông tin là đơn vị chủ trì, Câu lạc bộ Nhà Khoa học chủ trì chuyên môn) phối hợp với ĐH Coventry (Vương Quốc Anh); Trường ĐH Phenikaa; Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh - ĐH Thái Nguyên. Dự án do PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Trưởng ban KHCN, Phó Chủ tịch CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN điều hành với vai trò là Trưởng nhóm Dự án. Đây cũng là một trong những sản phẩm của chuỗi hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà khoa học trẻ Trại sáng tác - VSL - Writing Camp do CLB Nhà khoa học triển khai.
Dự án chính thức khởi động từ tháng 1 năm 2022, sau hơn 2 năm đã tổ chức thành công một chuỗi hoạt động gồm: Hội thảo quốc tế, chương trình đối thoại, các khóa đào tạo và cấu phần E-learning (gồm 6 module) trên hệ thống LMS của ĐHQGHN. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực cho các nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; từ đó thúc đẩy trao quyền cho các nữ lãnh đạo trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Các mục tiêu của Dự án đều hướng tới thực hiện các chiến lược chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Thông qua quá trình thực hiện dự án, một mạng lưới nữ lãnh đạo đã được phát triển, đặt nền móng cho sự hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong tương lai. Đặc biệt, đã thành lập mạng lưới hơn 600 nhà nghiên cứu, các nữ lãnh đạo trong và ngoài nước nhằm trao đổi các kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Dự án cũng đã thu hút nhiều đại biểu tham dự là các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các doah nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đến từ các nước: Anh, Úc, Malaysia, Indonesia, … và Việt Nam tham gia các chuỗi hoạt động.
Trưởng nhóm Dự án, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đánh giá, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề giới và thách thức mà các nhà lãnh đạo nữ phải đối mặt; nâng cao kỹ năng số cho lãnh đạo nữ ở cơ sở giáo dục đại học trong quản lý trường đại học số; phát triển mạng lưới hỗ trợ để không ngừng hỗ trợ các lãnh đạo nữ đạt được bình đẳng giới tốt hơn…
Dự án là hoạt động thực tiễn góp phần thực hiện sứ mệnh của CLB Nhà khoa học ĐHQGHN trong việc kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt giữa các nhà khoa học, nữ lãnh đạo ở Anh và khu vực ASEAN, thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực, vai trò của nữ lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới.
Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, đại diện đơn vị tài trợ dự án đã đánh giá cao quá trình và kết quả thực hiện dự án. Bà cho biết, bằng cách xây dựng nền tảng kỹ thuật số và cung cấp không gian ảo, dự án đã và đang tạo ra mạng lưới giữa các lãnh đạo nữ trong các trường đại học để tham gia và trao đổi kiến thức, ý tưởng. Hơn nữa, kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực số hóa và toàn cầu hóa sẽ được các giáo sư đến từ các lãnh đạo Anh, ASEAN và Việt Nam chia sẻ trong mạng lưới nhằm giúp các nữ lãnh đạo nâng cao năng lực thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa và toàn cầu hóa tại Việt Nam.
Tại hội thảo tổng kết Dự án, sau khi nhóm các nhà khoa học trình bày báo cáo tổng quan tình hình và kết quả thực hiện dự án, các đại biểu tham dự gồm PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bà Trần Bình Minh - Phó Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Ngành và Lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Đỗ Anh Tài - Nguyên Chủ tịch Hội Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa; GS.TS Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN cũng đã phát biểu tham luận nghiên cứu, đánh giá, nhận xét, đóng góp về quá trình thực hiện cũng như kết quả dự án và chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học đóng góp vào kết quả tổng kết chung của nhóm các nhà khoa học thực hiện dự án EWL.
Các đại biểu và đại diện đến từ đơn vị tài trợ, đại diện cá nhân và đơn vị thụ hưởng cũng đã có những chia sẻ, đánh giá cao về hiệu quả triển khai dự án và mong muốn dự án sẽ tiếp tục có những hoạt động kết nối, hỗ trợ hậu dự án.
Sau khi dự án kết thúc, các thành viên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển của mình và nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sư, lãnh đạo tại Anh và Việt Nam để hoàn thiện và triển khai kế hoạch của mình tại các cơ sở giáo dục, nghiên cứu ở nơi công tác mà vẫn nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới thông quá các nền tảng số hoá mà nhóm dự án đã xây dựng kết nối qua quá trình triển khai dự án.