- ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, “việc có barie đi xin giấy chuyển viện rất nên bãi bỏ”; ĐB Nguyễn Công Hoàn đề nghị công khai luôn những gì tuyến dưới không làm được thì “automatic” người dân được phép chuyển không cần phải giấy chuyển…
Phát biểu trước Quốc hội ngày 20/11, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, liên quan đến bảo hiểm y tế, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi.
“Trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ, liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, khi đã có đến trên 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế thì việc có barie đi xin giấy chuyển viện rất nên bãi bỏ, cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa. Tôi nghĩ lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế phải sửa đổi để người có bảo hiểm y tế muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có bảo hiểm y tế; phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.” – ĐB Nguyễn Anh Trí nêu rõ.
ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến tại Nghị trường ngày 20/11 |
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, với tổng mức thanh toán, tức là giới hạn chi Quỹ bảo hiểm y tế của cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian 1 năm đã được điều chỉnh bằng Nghị định 75 ngày 19/10/2023 là các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, tức là cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì thì sẽ được thanh toán thứ đó.
“Thay mặt bệnh nhân, thay mặt cử tri và cán bộ y tế, cho tôi được cảm ơn Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành Nghị định 75 này để chấm dứt rào cản gây phiền hà công tác khám, chữa bệnh kéo dài mấy năm đã qua. Nhân đây tôi mong muốn Bộ Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh và các cử tri theo dõi, giám sát, thúc đẩy để nội dung Nghị định 75 này được triển khai thực chất, không bị biến tướng trong thực tiễn.” – Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu.
Về việc bổ sung thêm loại thuốc và danh mục thuốc bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết cử tri có 2 ý kiến. Theo đó, đề nghị các bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào phân loại bệnh tật quốc tế ICD 11 phải được bảo hiểm y tế thanh toán thuốc. Đồng thời, dịp sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp đến, xin lưu ý danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán này.
“Vì điều trị bằng thuốc gì, bằng phác đồ nào là do bác sĩ, do căn cứ vào bệnh tật, tình trạng mức độ bệnh, tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm, khả năng cập nhật tiến bộ y học thế giới, nhằm đạt kết quả tốt nhất cho người bệnh. Danh mục thuốc và cả các phác đồ điều trị đó là để cho ngành y gồm cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định và sử dụng, bệnh nhân dùng thuốc gì, sử dụng phác đồ nào. Nếu đúng, nghiêm túc và hiệu quả thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy, xin đừng có danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán nữa.” – ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tại Nghị trường, ĐB Nguyễn Công Hoàng - Thái Nguyên cho biết “rất đồng tình với đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Hà Nội”.
“Hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm. Tại sao lại phải chuyển bảo hiểm thì chúng ta biết là chuyển bảo hiểm có 2 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là quản lý quỹ cho bảo hiểm y tế vàkhông để cho người dân vượt cấp để lên tuyến trên quá nhiều với những bệnh thông thường.
ĐB Nguyễn Công Hoàng - Thái Nguyên |
Để giải quyết vấn đề này lại vì chính sách mà chúng ta đẩy cho người dân phải đi làm việc này, người dân không phải là người đi bảo vệ quỹ cho chúng ta, không phải là người giải quyết chính sách. Vậy theo tôi việc này rất dễ, cơ sở y tế tuyến huyện đã có danh mục (đơn vị cơ sở y tế đấy) làm được các kỹ thuật gì thì chúng ta công khai lên, còn cái gì không làm được thì đương nhiên “automatic” là người dân được phép chuyển không cần phải giấy chuyển. Còn những trường hợp đặc biệt, tôi làm được, tôi muốn chuyển lên trên thì những chuyển đổi đấy là cơ sở y tế giải quyết, nó rất đơn giản như thế đã giải quyết được 80% những bức xúc của người dân trong việc này.”
Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Vừa rồi cũng giải quyết được Nghị định 46, nhưng do chúng ta giữ tiền của các cơ sở y tế từ các năm 2018, 2019, 2020, 2021 COVID thì được phép, từ năm 2022 đến giờ vẫn chưa trả cho cơ sở y tế, một số cơ sở y tế tuyến huyện có thể nói là không thể có tiền, bây giờ quản lý theo ISO cứ 3 tháng không nộp tiền vào công ty là họ cắt thuốc.
Vấn đề chúng ta nói giao quỹ cho các đơn vị, đơn vị này được 100 tỷ đến tháng 10, tháng 11, tháng 12 không dám giữ bệnh nhân nữa, đẩy hết lên tuyến trên, tuyến trên cũng hết quỹ lại đẩy xuống tuyến dưới, rất khổ bệnh nhân, cứ đẩy vòng quanh, không ai dám nhận bệnh nhân. Bởi vì vượt quỹ thì không được thanh toán, người dân cũng lại khổ. Nghị định 46 giải quyết được vấn đề này, tôi rất mừng.”
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng kiến nghị: Để nâng cao về công tác thuốc và vật tư y tế, phải nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đấu thầu cho các cơ sở y tế. Đây là nhiệm vụ các nhà quản lý; Thứ hai, phải nâng cao công tác dược lâm sàng. “Khi thiếu thuốc này, anh phải phối hợp với dược lâm sàng để thay thế bằng thuốc khác, chứ không phải thiếu thuốc này là anh cho bệnh nhân đi mua.
Thứ ba, ĐB đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực quan tâm đến các khoản chưa thanh toán, cố gắng nhanh thanh toán cho các đơn vị để trả nợ cho các nhà thầu.
Nhằm cân đối quỹ bảo hiểm, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến mức đóng bảo hiểm hiện nay sao cho phù hợp.