Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phẫu thuật chán thương chỉnh hình. Đơn cử, trong chẩn đoán có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp.
Chiều 20/10, tại Hà Nội, Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đại diện hơn 1.300 hội viên là các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về chấn thương chỉnh hình trong cả nước.
GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam. |
Phát biểu tại đây, GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: Cho đến thời điểm này Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã thực sự vươn mình và hội nhập với các hội chuyên ngành trong khu vực và trên thế giới như: Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á, Hội Chấn thương chỉnh hình Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Phẫu thuật Cột sống Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Hàn lâm Phẫu thuật viên Chấn thương chỉnh hình Mỹ…
Bám sát tôn chỉ từ ngày đầu thành lập Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam (năm 2000), đến nay chuyên ngành chấn thương chỉnh hình của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và dần tiệm cận với trình độ hàng đầu của thế giới. Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Đơn cử, trong chẩn đoán có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp.
Ban Chấp hành Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028. |
Trong điều trị có sử dụng hệ thống robot, hệ thống định vị, những hệ thống này giúp phẫu thuật có độ chính xác cao. Ngoài ra, các kỹ thuật khác như phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi (khớp, đặc biệt là khớp nhỏ, cột sống) kết hợp xương, cố định nẹp đinh không mất nhiều thời gian của bệnh nhân, phẫu thuật cột sống không còn đường mổ lớn như ngày xưa… giúp người bệnh ít đau đớn, chi phí giảm.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tại bệnh viện này đã ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân.
Trong điều kiện kinh tế phát triển, AI giúp cá thể hóa, thay khớp đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt với từng người… Tổn thương được dựng hình lên trước, đưa vào máy tính, với mô hình được tính toán giúp bác sĩ đánh giá tổn thương. Những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, có thể dựa trên phim cắt lớp để dựng hình 3 chiều, lên trước mô hình bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định, điều này giúp độ chính xác, hoàn hảo trong phẫu thuật, sẽ giúp ích cho người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể.
"Bên cạnh đó các thầy thuốc tại Bệnh viện Việt Đức đã thiết kế các nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu... mà chúng ta bị lệ thuộc vào người đọc"- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.
Nhân dịp này Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề "Phẫu thuật ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình". Với 119 bài báo cáo của các báo cáo viên trong nước và quốc tế đã đem lại những kiến thức hữu ích và mang ý nghĩa thực tiễn sâu rộng. Đây là dịp để những người làm chuyên môn trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cũng như truyền đạt những kiến thức mới giúp chuyên ngành ngày một lớn mạnh.
Một ca mổ thị phạm trong chương trình Hội nghị khoa học với chủ đề “Phẫu thuật ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình”. Ảnh: BVCC |
Theo Sức khỏe đời sống
https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-ung-dung-ai-trong-phat-hien-som-ton-thuong-xuong-khop-169231020203746576.htm