- Ngày 2/10, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 37, 38, 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT; đại diện các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng lãnh đạo, chuyên viên phụ trách cơ sở vật chất của các tỉnh Hải Phòng, Quảng Trị, Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ninh, Tuyên Quang… cùng hơn 30 điểm cầu trực tuyến địa phương trên toàn quốc.
Báo cáo tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) Phạm Hùng Anh thông tin: Nhằm đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, Bộ GDĐT đã xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu được xây dựng đảm bảo tính kế thừa danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đã ban hành, tránh lãng phí, đồng thời, bảo đảm tính khả thi, tính liên thông giữa các lớp, các cấp học với nhau, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Khi xây dựng danh mục mới, Bộ GDĐT đã tính toán xây dựng theo hướng mở, không quy định cứng nhắc, không áp đặt theo mẫu thiết bị dạy học cụ thể, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp và mở rộng phạm vi mua sắm dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đồng thời, thực hiện các quy định về hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc chuyên dùng của Chính phủ, Bộ GDĐT đã quy định cùng với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu định mức thiết bị theo các đối tượng, số học sinh, số giáo viên, số lớp học…của các cơ sở giáo dục.
Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã ban hành danh mục tối thiểu các cấp học phổ thông, với các quy định về mục đích sử dụng, mô tả chi tiết thiết bị và số lượng, định mức đối với các thiết bị dạy học tối thiểu, nhằm tạo cơ sở để các cấp chính quyền địa phương thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục.
Tuy nhiên, sau khi ban hành, qua công tác triển khai thực hiện, ý kiến góp ý và rà soát danh mục thiết bị dạy học của các cấp học có một số thông số kỹ thuật, trình bày, mô tả thiết bị chưa phù hợp, cần thực hiện sửa đổi để phù hợp với thực tế triển khai.
Vì vậy, việc đóng góp các ý kiến, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thực tế hiện nay là điều cần thiết để Bộ GDĐT lấy làm cơ sở ban hành Thông tư sửa đổi 3 Thông tư nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các lớp học, cấp học.
Tại hội thảo, đại diện các địa phương, đơn vị, tổ chức đã tham gia tham luận, trao đổi, chia sẻ, nêu ý kiến, đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc rà soát, lựa chọn, xây dựng danh mục thiết bị cần trang bị để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm; chưa xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị chuyên dùng; tổ chức mua sắm thiết bị dạy học; thiếu cơ sở vật chất; nguồn kinh phí được phân bổ... trong quá trình triển khai.
Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của địa phương, đơn vị, tổ chức. Thông qua đó, những ý kiến về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ được Bộ GDĐT tiếp thu để có những tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tế khi ban hành, áp dụng Thông tư trong thời gian sắp tới.