- Ngày 20/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cập nhật tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tính đến tuần 37.
Tình từ ngày 11/9/2023 đến ngày 17/9/2023 (tuần 37), tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 934 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 27,6% so với trung bình 4 tuần trước.
Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
Trong tuần 37, TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 359 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 9,8% so với trung bình 4 tuần trước.
Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 8 và huyện Nhà Bè.
Về bệnh đau mắt đó, theo Sở Y tế TPHCM, số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau ngày 5/9, chủ yếu là trẻ em do trẻ bắt đầu đi học trở lại.
Thống kê từ ngày 1/9 - 10/9, số lượt khám, chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện TPHCM là trên 5.000 ca, tăng 96,5% so với 10 ngày trước đó (từ ngày 21 - 31/8). Trong số đó, có 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước đó (174 ca).
Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã công bố nguyên nhân gây bùng phát số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn là do các chủng virus Coxsackievirus A24 (86%), Adenovirus 54 (11%) và Human Adenovirus 37 (3%). Như vậy, tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM chủ yếu là do Coxsackievirus A24 gây ra.
Sở Y tế khuyến cáo người dân có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt thông thường để điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc.
BSCKII Trịnh Quang Trí - Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, trong một số trường hợp, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây tai biến. Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (một tình trạng có khả năng gây mù)… Các tai biến này càng đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em.
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...) hoặc để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.