- “Phải vận dụng vì dân chứ không phải áp dụng. Cứ công tâm mà làm thì người dân sẽ ủng hộ. Phải vận dụng tối đa các chính sách cho người dân" - Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn |
Sáng 26/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Cù Hồng Dân (xã Nam Sơn) cho biết, đối với Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, đến thời điểm này còn một số khó khăn liên quan đến môi trường, chính sách GPMB dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường.
Cử tri đề nghị Thành phố quan tâm chỉ đạo xử lý nước rỉ rác, có biện pháp che chắn nhằm tránh phát sinh ô nhiễm môi trường, ruồi, muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Cử tri đề nghị Thành phố xem xét, sớm chấp thuận chính sách về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư của mấy chục hộ dân thuộc dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 0-500m theo đề xuất của huyện Sóc Sơn để người dân đảm bảo cuộc sống do chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng suốt mấy chục năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Xuân (xã Bắc Sơn) kiến nghị Thành phố không mở rộng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, giai đoạn 3.
Thông tin về Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết: “Thành phố chia sẻ với Sóc Sơn, trực tiếp Chủ tịch UBND Thành phố đã vào cuộc quyết liệt để xử lý tồn tại ở khu xử lý rác. Thành phố đã đưa vào quy hoạch, xây dựng nhà máy rác hiện đại và chỉ đạo Sở tiếp tục nghiên cứu phương án xử lý số rác thải đã chôn trước đây”.
Cũng theo ông Cường, khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, giai đoạn 1, đã đầu tư xong. Giai đoạn 2 đang còn một phần cần giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 3 sẽ khoanh vùng bán kính 500m để đảm bảo cuộc sống người dân. Bán kính này sẽ được trồng xây xanh, ngăn ô nhiễm. Còn 1 phần diện tích nhỏ sẽ đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thành phố đã kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ kiểm tra đánh giá cụ thể. Với một số chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, huyện Sóc Sơn đã có báo cáo, Sở đã hướng dẫn huyện thực hiện với từng hộ. Sở đang trình Thành phố để xem xét thông qua.
Về việc xử lý nước rỉ rác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các bãi chôn lấp trước đây, Thành phố đã triển khai các biện pháp khắc phục. Với kiến nghị của của tri, Sở và huyện sẽ phối hợp để có giải pháp ngay, đảm bảo đời sống nhân dân.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã chỉ đạo, huyện cần rà soát kỹ trong các vòng bán kính, “còn 1 hộ cũng phải giải quyết theo tinh thần đặc thù.”
“Phải vận dụng vì dân chứ không phải áp dụng. Không được lợi dụng chính sách cho cá nhân nào. Cứ công tâm mà làm thì người dân sẽ ủng hộ. Phải vận dụng tối đa các chính sách cho người dân" – Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch Thành phố yêu cầu, những việc gì làm được để đảm bảo, nâng cao đời sống nhân dân thì phải làm ngay. Chia sẻ thêm với cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, kỳ họp thứ 6 tới đây (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây cơ hội thuận lợi, cơ hội vàng định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Trong đó, thành phố nỗ lực triển khai đồng bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa qua, lãnh đạo Quốc hội đã nhấn mạnh quan điểm đây là giao nhiệm vụ cho Thủ đô phát triển theo đúng Hiến pháp, thực hiện các chức năng của Thủ đô; để thực hiện các chức năng đó phải được phân cấp một số quyền nhất định và có nguồn lực để thực hiện chức năng đó.