- Trong ngày 27/9, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 1.700 ca đau mắt đỏ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 16.220 ca mắc. Các địa phương có nhiều ca bệnh là thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước… Phần lớn số ca mắc là trẻ em, học sinh.
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau nhận định, bệnh đau mắt đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, địa bàn tỉnh đang trong mùa mưa, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển nhanh hơn.
Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện công lập và tư nhân, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh; thực hiện tốt công tác giám sát, điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh.
Các bệnh viện công và tư nhân tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn và điều trị bệnh nhân đến khám tại cơ sở theo phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Các cơ sở y tế thực hiện tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phòng, điều trị bệnh; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ để góp phần giảm số ca mắc và bệnh chuyển nặng.
Thường xuyên hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh cá nhân tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ. |
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học, đặc biệt là trường Tiểu học, Mầm non, Mẫu giáo…; đảm bảo vệ sinh trường học; thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh về việc không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã được chỉ định nghỉ học đến trường.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; không để bệnh gia tăng, lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân yêu cầu cơ quan chức năng, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; không được lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng bệnh và đảm bảo thực hiện tốt công tác giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.
Ngành Y tế khuyến cáo đến người dân cần nêu cao ý thức phòng bệnh, nhất là hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang. Người dân thường xuyên giữ gìn vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh…