- Các cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra ở trung tâm thủ đô Seoul ngày hôm qua (12/8) để phản đối kế hoạch của Nhật Bản trong việc xả nước phóng xạ đã được “xử lý” từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Bất chấp sự phản đối liên tục của các nước láng giềng của Nhật Bản - những nước lo ngại về các tác động tiềm ẩn đối với môi trường, Tokyo dự kiến sẽ xúc tiến kế hoạch ngay sau cuối tháng 8, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.
Hàng trăm nhà hoạt động đã tập trung tại thủ đô của Hàn Quốc để lên án kế hoạch của Tokyo, thậm chí một số người còn phản đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Những người biểu tình mang theo những biểu ngữ như “Năng lượng hạt nhân? Không, cám ơn!" và “Hãy giữ nó ở trong nội địa” hoặc “Hãy bảo vệ Biển Thái Bình Dương.”
“Nếu nó được xả ra, các chất phóng xạ chứa trong nước bị ô nhiễm cuối cùng sẽ phá hủy hệ sinh thái biển,” ông Choi Kyoungsook - một nhà hoạt động của Korea Radiation Watch, nhóm tổ chức cuộc biểu tình, đã cảnh báo như vậy. Nhà hoạt động Choi Kyoungsook nhấn mạnh rằng “chúng tôi tin rằng biển không chỉ cho chính phủ Nhật Bản, mà còn cho tất cả chúng ta, và cho nhân loại.”
Tháng trước, cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch gây tranh cãi được đưa ra bởi công ty điều hành nhà máy bị tê liệt Fukushima - Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Theo kế hoạch đó, Nhật sẽ dần dần xả nước thải đã được tích tụ ra đại dương. Nhà máy bị tê liệt Fukushima tiếp tục sản xuất khoảng 100 mét khối nước thải mỗi ngày, với chất thải được chứa trong các bể lớn tại cơ sở của nó – và không gian lưu trữ đang cạn kiệt.
Các quan chức Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định nước thải đã được "xử lý" để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Kế hoạch gây tranh cãi đã nhận được sự ủng hộ từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi gần đây tuyên bố nước thải đủ an toàn để uống và bơi lội.
Kế hoạch nói trên cũng như sự hỗ trợ của IAEA dành cho kế hoạch đã khiến nước láng giềng gần sát Nhật Bản - Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh đề xuất nước thải nên được Tokyo giữ lại để sử dụng trong nước nếu nó thực sự ‘an toàn' như quảng cáo.