- Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hội nghị thượng đỉnh gần đây về Ukraine ở Jeddah là một sự kiện "rất đặc biệt", đồng thời kêu gọi nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz |
Thủ tướng Scholz đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc trả lời phỏng vấn lớn hàng năm vào mùa hè với đài truyền hình ZDF của Đức, được phát sóng vào ngày hôm qua (13/8). Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi nỗ lực ngoại giao hơn nữa, nói rằng nó thực sự hữu ích để "gây áp lực" cho Nga.
Ông Scholz nói: “Việc chúng ta tiếp tục các cuộc đàm phán này là có ý nghĩa vì chúng làm tăng áp lực buộc Nga phải nhận ra rằng họ đã đi sai đường và rằng họ phải rút quân và thực hiện hòa bình”.
Thủ tướng Scholz cũng nhắc đến một sự kiện ngoại giao tương tự do Đan Mạch tổ chức vào tháng 6, nói rằng các cuộc đàm phán đó và hội nghị thượng đỉnh do Ả-rập Xê-út tổ chức đều là những sự kiện “rất đặc biệt”.
“Chúng rất quan trọng và chúng thực sự chỉ là bước khởi đầu”, Nhà lãnh đạo Đức cho hay.
Cuộc họp ở Jeddah, nơi tập hợp các cố vấn an ninh và các nhà ngoại giao cấp cao từ các quốc gia tham gia, đã không mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào. Trên thực tế, những người tham gia chỉ đồng ý rằng Hiến chương Liên hợp quốc cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng.
Moscow đã bác bỏ các cuộc đàm phán do Ả-rập Xê-út chủ trì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng “với việc không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của Nga, không có cuộc họp nào về cuộc khủng hoảng Ukraine có giá trị”.
Khi được hỏi về triển vọng hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, Thủ tướng Đức đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp.
“Như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn xem xét rất cẩn thận từng quyết định, điều gì có thể xảy ra, điều gì có ý nghĩa, điều gì chúng tôi có thể đóng góp,” ông Scholz nói.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Đức từ lâu đã phản đối yêu cầu cung cấp khí tài quân sự ngày càng tinh vi cho Ukraine. Tình hình đã thay đổi vào đầu năm nay, khi Berlin nhượng bộ trước áp lực gia tăng và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba tái xuất các phương tiện quân sự do Đức sản xuất sang Ukraine.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, một trong những nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Đức - Rheinmetall, sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay do thám không người lái tối tân trong những tháng tới, tờ Bild đưa tin.
Máy bay không người lái Luna NG có phạm vi hoạt động vài trăm km và các phiên bản trong tương lai của nó dự kiến sẽ có thể mang theo đạn dược.
Tờ Bild hồi cuối tuần vừa rồi đưa tin rằng việc cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine thay mặt cho nhà nước Đức sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Luna NG (Thế hệ mới) là hệ thống máy bay không người lái (UAV) mới nhất của Rheinmetall, không chỉ được sử dụng cho mục đích trinh sát mà còn cung cấp băng thông rộng không dây 4G và nghe lén hoặc làm gián đoạn liên lạc.
Theo các phương tiện truyền thông, độ cao hoạt động tối đa của máy bay không người lái nói trên là 5km (3,1 dặm) và nó có thể bao phủ hàng trăm km.
Hệ thống Luna NG bao gồm một trạm điều khiển mặt đất, máy phóng, một xe tải và một số UAV.
Bild tuyên bố rằng các phiên bản sau của Luna NG sẽ có thể mang theo đạn dược, mặc dù những chiếc dành cho Ukraine sẽ không có khả năng tấn công.
Bài báo trên tờ Bild cho biết thêm rằng, những máy bay không người lái như vậy cũng sẽ được quân đội Đức đưa vào hoạt động sau khi các quan chức xác định các quy tắc tham gia đối với loại vũ khí này.
Phát biểu với tạp chí Der Spiegel vào tháng trước, Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger thông báo rằng một cơ sở sửa chữa xe tăng Leopard 2 và các thiết bị quân sự khác do Đức sản xuất cung cấp cho Kiev sẽ bắt đầu hoạt động sau mùa hè này.