- Liên tiếp thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng (TCM). Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện bệnh đang vào cao điểm của đợt thứ 1 trong năm và đã có nhiều ca biến chứng nặng.
Ngày 1-6, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.H.D. (5 tuổi, ngụ tỉnh Long An) tử vong do nghi mắc tay chân miệng (TCM).
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú do mắc TCM. Hiện số bệnh nhân nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022, có 5 trường hợp nặng (2 trường hợp ở TPHCM và 3 ở các tỉnh), trong đó có 1 ca tử vong (ở tỉnh).
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc TCM.
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang được thăm khám ở Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Do số lượng bệnh đông nên một số bệnh nhi được bố trí nằm 2 bé/giường (Ảnh: NLĐ) |
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ghi nhận hơn 400 trường hợp đến khám vì mắc thủy đậu, nhiều ca phải nhập viện do biến chứng nặng. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM, thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm thường thấy, do virus có tên Varicella Zoster gây nên, có thể mắc ở cả người lớn và trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu sẽ bệnh nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm.
Còn theo thông tin cập nhật của, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin ngày 1/6 về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong tuần thứ 21 của năm 2023 (từ ngày 22 đến 28-5), trong tuần 21, ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.
Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.
Dấu hiệu rõ ràng của bệnh TCM có thể nhận biết được là nổi ban và hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh TCM nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng.
Do chưa có vaccine phòng ngừa nên phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Hiện bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Để phòng bệnh, biện pháp hiệu quả là tiêm vaccine phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ đã được tiêm đầy đủ vaccine thủy đậu thì 80%-90% có khả năng phòng bệnh. Còn khoảng 10% trẻ vẫn có nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ và thường là không bị biến chứng. Đồng thời, những trường hợp mắc thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày để tránh lây lan.