- Ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo đã làm việc với tỉnh Cà Mau về công tác chuẩn bị Kỳ thi.
Tại đây, Thứ trưởng và Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tại Điểm thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ, địa điểm chấm thi đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau, điểm in sao đề thi đặt tại Sở GDĐT Cà Mau và làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cà Mau.
Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 9.820 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có 414 phòng thi, tổ chức thành 17 Điểm thi chính thức và 2 Điểm thi dự phòng. Tại thành phố Cà Mau có 7 Điểm thi, các huyện có 10 Điểm thi.
Tỉnh dự kiến điều động 1.650 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi. Trong đó, Sở GDĐT cử 1.500 cán bộ, giáo viên; Công an tỉnh, các huyện, thành phố cử 92 người, Sở Y tế cử 40 người.
Báo cáo Đoàn công tác, ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GDĐT Cà Mau cho biết: Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Hội đồng thi phải lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính then chốt trong quá trình tổ chức Kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, hiện Sở GDĐT đang chuẩn bị nhân sự thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác chuẩn bị thi; công tác thi; công tác chấm thi; công tác phúc khảo; xét công nhận tốt nghiệp. Thời gian thanh tra, kiểm tra từ ngày 15/6/2023 đến ngày 15/7/2023.
Để đảm bảo không thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi tham dự Kỳ thi, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị, trường học có thí sinh tham dự Kỳ thi báo cáo thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ. Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh, người thân của thí sinh và cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Sở GDĐT cơ bản đã hoàn thành những công việc cần thiết để tổ chức Kỳ thi. Từ nay cho đến ngày 25/6/2023, Hội đồng thi tổ chức rà soát lại các khâu của công tác chuẩn bị ở tất cả 17 Điểm thi, cùng với sự hỗ trợ của địa phương nơi đặt các Điểm thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế”, Phó Giám đốc Sở GDĐT Cà Mau Tạ Thanh Vũ cho hay.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia đã lưu ý với Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau về một số vấn đề như: công tác ôn tập cho học sinh; bố trí địa điểm chấm thi, in sao đề thi; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các lực lượng; lưu ý những điểm mới về đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi; tập huấn, truyền thông về Kỳ thi, đặc biệt là việc phòng ngừa những lỗi có thể vi phạm, nhất là bảo mật đề thi…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị tại Điểm thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau |
Ghi nhận công tác tổ chức Kỳ thi những năm qua và đánh giá cao công tác chuẩn bị chủ động cho Kỳ thi năm nay của tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cà Mau “đã chủ động rồi sẽ chủ động hơn nữa, đã kịp thời rồi sẽ kịp thời hơn nữa”.
Cụ thể, cần làm tốt hơn nữa công tác quán triệt nâng cao nhận thức về tính chất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, kết quả của Kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, là một kênh đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá công tác quản lý của nhà trường, công tác dạy và học của giáo viên, học sinh; vừa là cơ sở đế nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
“Với tính chất như vậy, việc tổ chức Kỳ thi phải đảm bảo nghiêm túc, an toàn và công bằng”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, với một Kỳ thi có nhiều người, nhiều lực lượng cùng tham gia, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Cà Mau làm tốt công tác tập huấn cho lực lượng tham gia làm thi theo nguyên tắc “không cán bộ nào không được tập huấn”. Việc tập huấn phải được thực hiện đầy đủ, cá thể hoá tập huấn và khuyến khích thêm kiểm tra đánh giá trong quá trình tập huấn.
Lưu ý tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất thiết bị, Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc đảm bảo sức khoẻ cho những người làm thi dựa trên sự chăm lo về điều kiện cơ sở vật chất. Nêu ví dụ sau khi kiểm tra địa điểm in sao đề thi, Thứ trưởng khuyến cáo tỉnh Cà Mau có thể xem xét để có địa điểm in sao rộng rãi hơn.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thứ trưởng lưu ý tất cả các khâu đều phải được kiểm tra, thanh tra, giám sát trên nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Cà Mau thực hiện đầy đủ 4 đúng - 3 không trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 4 đúng là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không lơ là, chủ quan (biết rồi, hiểu rồi); không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.
Trao đổi tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cà Mau cho biết: Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh đã được quán triệt về việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, khắc phục khó khăn tối đa, đặc biệt là không tạo áp lực.
“Cà Mau có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ vững cách chỉ đạo, tổ chức: Minh bạch, dân chủ, trong sáng trong mọi khâu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chia sẻ, đồng thời cho biết, tỉnh Cà Mau rất kỹ trong khâu chọn người làm công tác thi, cũng rất chủ động trong xử lý tình huống.
Nêu ví dụ năm ngoái một thí sinh ngủ quên đã được lực lượng Đoàn thanh niên đến phòng trọ đánh thức và đưa đến trường thi kịp giờ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cà Mau khẳng định tinh thần “không lơ là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong các tình huống”.
PV