- Mùa hè, thời tiết thuận lợi cho các loài côn trùng sinh sôi phát triển. Bên cạnh những loại côn trùng chỉ làm tổn thương như sẩn ngứa, dị ứng, đau… thì có loại côn trùng đóng vai trò trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho con người.
Dưới đây là một số loại côn trùng có thể truyền bệnh gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, …
Muỗi là vật trung gian truyền bệnh giữa người với người, giữa người và động vật. Muỗi hút máu người bệnh, mang theo virus và lây lan cho người, động vật bị chúng hút máu tiếp theo.
Các loại bệnh mà muỗi gây ra cho con người đều rất nguy hiểm như: sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, giun chỉ. Nguy hiểm nhất trong các loài muỗi là muỗi vằn Anopheles spp.
Muỗi truyền bệnh sốt rét: Đây là loài muỗi anophen. Bệnh sốt rét thường xảy ra ở vùng núi, người bị mắc bệnh sốt rét thường do bị muỗi đốt, ví dụ như: đi rừng, ngủ không nằm màn.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết: Chủ yếu là loại Aedes aegypti. Muỗi mang mầm bệnh virus dengue, khi chúng hút máu người, thông qua vết đốt, chúng truyền virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, … |
Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản: Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản do loài muỗi Culex (muỗi ruộng) truyền bệnh. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn. Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè và hoạt động mạnh vào buổi tối.
Việc phòng bệnh là chủ động vệ sinh môi trường, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, cần ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Kiến
Kiến thường có mặt trong nhà ngay cả không phải trong mùa Hè. Trong nông nghiệp, kiến đôi khi là một loài côn trùng có lợi và đôi khi lại có hại. Tuy nhiên, khi xuất hiện trong nhà, kiến ít nhiều làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của gia đình bạn và thường làm tổ thành đàn và xuất hiện ở bất cứ ngóc ngách nào trong nhà. Đó cũng có thể là do thói quen để đồ ăn thừa trên bếp, bàn ăn và quên dọn dẹp.
Đáng chú ý, trong số tất cả các loại kiến, vết cắn của kiến ba khoang có thể gây khó chịu nhất. Vết cắn của loài côn trùng mùa hè này có thể chuyển sang màu đỏ, sưng lên và tụ mủ.
Bọ chét truyền bệnh dịch hạch, viêm phổi, viêm não...
Bệnh dịch hạch thường gặp ở một số tỉnh của nước ta thuộc vùng Tây Nguyên, bệnh có liên quan đến loài gặm nhấm và trung gian truyền bệnh (bọ chét, rận). Bọ chét sống ký sinh trên các loài gặm nhấm, đặc biệt là loài bọ chét chuột Xenopsyella chéopis.
Đặc điểm của bọ chét chuột Xenopsyella chéopis ký sinh trên chuột, đóng vai trò là vector của bệnh dịch hạch và sốt phát ban chuột, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch.
Sự lan truyền bệnh xảy ra khi bọ chét hút máu động vật gặm nhấm có bệnh và sau đó hút máu người và con người có thể bị nhiễm bệnh dịch hạch qua vết đốt.
Khi một người mắc bệnh dịch hạch, nếu bọ chét chuột hút máu người đó hoặc trên người đó có chấy, rận thì chúng cũng hút máu và khi sang cơ thể khác hút máu thì chúng cũng truyền bệnh dịch hạch. VÌ vậy, một người trong gia đình mắc bệnh có thể lây lan sang người khác.
Người bệnh có thể là bị nhiễm khuẩn huyết ngay từ đầu hoặc vi khuẩn theo hệ tuần hoàn đến các cơ quan khác gây bệnh (viêm phổi, viêm hạch, viêm não...).
Đặc điểm để phân biệt với các loài bọ chét mèo, bọ chét chó và những loài bọ chét khác là bọ chét chuột không có hàng răng lược ở hàm và ở ngực.
Mò, ve, rận truyền bệnh rickettsia
Trong các bệnh gây ra bởi rickettsia thì có một loại thường gây nên bệnh sốt mò hay còn gọi là bệnh sốt phát ban rừng rú, do mò đỏ làm trung gian truyền bệnh.
Tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn có tên là R.tsutsugamushi. Ổ chứa loại vi khuẩn này là động vật hoang dã, gặm nhấm (chuột, thỏ), chim, gà, lợn, chó. Trung gian truyền bệnh là mò đỏ mà tác nhân quan trọng là ấu trùng của chúng.
Ấu trùng mò đỏ thường bám vào thân cây, ngọn cỏ để sống hoặc chúng có ngay ở cả bề mặt đất khi động vật hay con người đi qua đó, chúng bám vào và hút máu, trong máu của ấu trùng mò đỏ có vi khuẩn rickettsia, vì vậy vi khuẩn sẽ gây bệnh sốt mò cho người.
Bệnh sốt mò là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có đặc điểm là bệnh khởi phát rất đột ngột. Đầu tiên là sốt cao, đau đầu, chóng mặt, kém ăn, mất ngủ và kèm theo là nổi ban.
Biểu hiện đặc trưng là ban có màu đỏ xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh. Ban chỉ tồn tại vài ngày hoặc có khi hàng tuần tùy theo độc lực của loại vi khuẩn. Đặc điểm của ban là kiểu dát sần, ít khi xuất huyết.
Ban thường xuất hiện đầu tiên ở ngực, bụng sau đó lan ra toàn thân và các chi, rất hiếm thấy ban mọc ở mặt, gan bàn chân, bàn tay. Đặc điểm của sốt thường là sau một cơn rét run và kéo dài từ 2 - 3 tuần. Một đặc điểm cần lưu ý là nơi bị mò đỏ đốt thường tạo thành vết loét. Vết loét này thường không ngứa, vị trí của vết đốt hay ở hõm nách, cánh tay, bắp chân hoặc có thể có ở thân mình, đùi, bìu.
Gián gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ…
Gián là loại côn trùng mùa Hè gây hại cho sức khỏe con người và thường xuất hiện tại hầu hết không gian sống của mọi nhà. Những nơi ẩm mốc, tối tăm và hôi hám là môi trường sống lý tưởng của gián. Do đó, gián không những có mùi hôi khó chịu mà còn mang trong mình nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Một số căn bệnh nguy hiểm mà chúng thường gián tiếp lây lan bao gồm: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ…
Cách phòng tránh bệnh do côn trùng
Trên thực tế, chúng ta đang mắc bệnh lây truyền từ các loại côn trùng rất nhiều. Theo ghi nhận các ca mắc bệnh từ sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng hàng năm. Vì vậy, việc chủ động phòng bệnh là rất cần thiết.
Để phòng bệnh do côn trùng chúng ta cần phải tiêu diệt côn trùng bằng các biện pháp như: xua, đuổi hoặc phun hóa chất diệt côn trùng.
- Nơi ở phải thông thoáng để hạn chế chỗ ẩn náu của côn trùng.
- Khi ngủ cần nằm màn để tránh muỗi đốt, kể cả ngủ trưa.
- Những người đi dã ngoại, du lịch ở miền núi, vùng rừng, trồng rừng … cần có giày, tất cao cổ hoặc dùng một số dầu như: dầu gió, cao sao vàng, thuốc DEF… bôi vào vùng hở của chân - tay để tránh mò, ve, bọ chét, muỗi đốt.
- Cần diệt bọ gậy với mọi hình thức như: thau rửa chum, vại đựng nước, lọ cắm hoa, khơi thông cống rãnh, ao tù... để hạn chế muỗi trưởng thành.
- Đối với bệnh dịch hạch, ngoài diệt bọ chét cần có kế hoạch tiêu diệt chuột bằng nuôi mèo, bẫy chuột, thuốc chuột, keo dính chuột…
- Không cho trẻ chơi với gà, chim, chó có mò đỏ. Đối với bệnh dịch hạch thể phổi, cần cách ly bệnh nhân tuyệt đối và phải đeo khẩu trang y tế cả người bệnh và người khám, chữa, chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân không để có chấy, rận. Không mặc chung quần áo với người khác cũng là một trong những biện pháp phòng lây nhiễm. Cần mặc quần áo lót thoáng, mỏng; không quan hệ tình dục bừa bãi.
PV