- Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân đã được triển khai tốt, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Ngày 01/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị quán triệt việc nâng cao hiệu quả của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì và có sự tham dự của các Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, đại biểu từ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, Cục Lãnh sự đã báo cáo tình hình công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước. Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân đã được triển khai tốt, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác này vẫn còn một số vấn đề tồn đọng và nảy sinh, bộc lộ hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục. Một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp ý kiến về việc quán triệt cán bộ các cơ quan đại diện đối với việc nâng cao nhận thức về tinh thần phục vụ nhân dân trong công tác lãnh sự, đồng thời chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong trong triển khai công tác từ góc độ địa bàn. Các đơn vị của Bộ Ngoại giao cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tăng cường công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước như: phát huy vai trò cấp ủy, tổ chức đảng trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ; hoàn thiện cơ chế điều động, bố trí nhân sự; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ nhấn mạnh Bộ Ngoại giao xây dựng nền ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và tất cả các mảng công tác trụ cột của ngành ngoại giao, trong đó có công tác lãnh sự và bảo hộ công dân đều phục vụ cho mục tiêu này. Bộ Ngoại giao xác định cần tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa nhiệm vụ lãnh sự và bảo hộ công dân, theo đó, coi công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế là nền tảng; nhiệm vụ hoàn thiện quy chế, quy trình, cải cách hành chính là khâu đột phá. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với tận dụng các phương thức truyền thông đại chúng trong triển khai công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước.
Để làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ đề ra, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Bộ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về lãnh sự; xây dựng và kiện toàn các quy trình giải quyết công tác lãnh sự, đặc biệt sớm ban hành Thông tư mới về giải quyết công tác lãnh sự theo hướng chuyên nghiệp, chặt chẽ hơn; tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ lãnh sự cho các cơ quan đại diện; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lãnh sự; sớm nghiên cứu đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công ở trong nước và tại các cơ quan đại diện lên mức độ mới trên môi trường điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm, khuyết điểm nếu có.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu; cán bộ phải là công bộc của dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn. Bộ trưởng yêu cầu Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phải lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc, góp phần xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.
Về nhiệm vụ của các cơ quan đại diện, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện trong công tác lãnh sự, cùng với việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa quan trọng của công tác lãnh sự; quán triệt việc rèn luyện chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, phát huy cao độ tinh thần “phục vụ” đối với toàn thể cán bộ cơ quan đại diện nói chung và cán bộ thực hiện công tác lãnh sự nói riêng; tạo sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ trong triển khai chuẩn hóa quy chế, quy trình, bố trí cán bộ đảm bảo năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tham gia giải quyết công tác lãnh sự, cùng với sự đo lường thực chất mức độ hài lòng của người dân để làm cơ sở cải thiện, nâng cao hiệu quả phục vụ; tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn không để xảy ra các vi phạm, sai sót.