- Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hôm qua (1/6) nhấn mạnh rằng đất nước của ông cần phải được kết nạp vào cả Liên minh châu Âu (EU) và liên minh quân sự NATO trong năm nay, nếu không phương Tây sẽ thất bại không chỉ với Ukraine, mà cả với Moldova, Gruzia, Belarus và những nước khác.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky |
“Nga sợ NATO,” Tổng thống Zelensky đã nói như vậy tại hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị Châu Âu đang được tổ chức tại Lâu đài Mimi ở Bulboaca, Moldova. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố, Moscow “cố gắng nuốt chửng chỉ những ai ở bên ngoài không gian an ninh chung” hoặc bỏ lại phía sau “các cuộc xung đột đóng băng” như Transnistria.
Mọi quốc gia châu Âu có biên giới với Nga “nên là thành viên đầy đủ của EU và NATO,” ông Zelensky đã nói như vậy. “Chỉ có hai lựa chọn cho điều này: hoặc là một cuộc chiến tranh công khai, hoặc là sự chiếm đóng dần dần của Nga.”
Tổng thống Zelensky cho rằng việc kết nạp Ukraine sẽ phát đi một tín hiệu cho Moldova, Gruzia và Belarus, nhưng “nếu ngay cả người Ukraine - những người đang chứng minh bằng máu cam kết của chúng ta đối với tự do và các giá trị của một châu Âu thống nhất, vẫn chưa nhận được câu trả lời tích cực rõ ràng về việc tham gia EU và NATO thì hy vọng của những nước khác đang trở nên hoàn toàn viển vông.”
Trước đó, hôm 31/5, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin rằng Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky đã đe dọa sẽ không đến tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở Litva vào tháng 7 tới trừ khi khối quân sự này đưa ra cho Kiev những đảm bảo an ninh mà ông này yêu cầu.
Nga coi việc mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình và viện dẫn nguyện vọng của Ukraine trong việc được gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột hiện nay. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã cung cấp cho Ukraine hơn 100 tỷ USD viện trợ quân sự trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga “phải thua” và họ không liên quan trực tiếp.
Cả NATO và EU từ lâu đã có chính sách là không kết nạp thành viên mới nếu họ đang có xung đột hoặc tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết. Mặc dù cả hai khối đã đưa ra nhiều ngoại lệ cho Ukraine kể từ năm ngoái, nhưng ít nhất người Đức tỏ ra không muốn vượt qua ranh giới đó.
“Có những tiêu chí rõ ràng để trở thành thành viên. Chẳng hạn, bạn không thể có xung đột biên giới,” Thủ tướng Olaf Scholz hôm qua (1/6) đã trả lời thẳng thừng như vậy. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock - một người công khai ủng hộ chính quyền Kiev - cũng đưa ra lập luận rằng “rõ ràng là chúng ta không thể nói về tư cách thành viên mới trong bối cảnh còn đang có chiến tranh”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định Ukraine không thể gia nhập NATO trong khi nước này vẫn đang vướng vào cuộc xung đột với Nga. Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng Kiev có thể gia nhập khối quân sự phương Tây.
Phát biểu trước cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở thủ đô Oslo của Na Uy ngày hôm qua (1/6), Ngoại trưởng Baerbock tuyên bố rằng cánh cửa của khối vẫn mở cho các thành viên mới tiềm năng. Bà Baerbock cũng nói thêm rằng, điều này không chỉ áp dụng cho Thụy Điển mà còn cho cả Ukraine. “Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta không thể nói về tư cách thành viên mới trong bối cảnh chiến tranh,” Baerbock nhấn mạnh khi nói về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.
Thủ tướng Đức Scholz hồi tháng trước cho biết tư cách thành viên NATO tiềm năng của Kiev “không sớm có mặt trong chương trình nghị sự”. Ông trích dẫn “một loạt các yêu cầu thuộc tiêu chí của NATO mà hiện tại Ukraine không thể đáp ứng”.