- Ngày 2/6/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có buổi làm việc với Đại học RMIT nhằm khai thác tiềm năng phát triển mới cho cả hai bên.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết ĐHQGHN đang bước vào cuộc chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp với sự thay đổi của thế giới và phát triển phù hợp với kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam, trong quá trình này, ĐHQGHN cần phải học hỏi và đối sánh rất nhiều từ những đại học quốc tế có kinh nghiệm lâu năm như ĐH RMIT. Trong vòng năm năm tới, ĐHQGHN sẽ tập trung phát triển những ngành công nghệ cao và hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn tại Hòa Lạc.
Theo giám đốc ĐH RMIT Alec Cameron cho biết Trường được định hướng là một đại học công nghệ và có nhiều ngành đào tạo và nghiên cứu ứng dụng. Sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, ĐH RMIT đang hướng tới việc tập trung vào các ngành công nghệ mũi nhọn, phù hợp với nhu cầu của người học tại Việt Nam. Buổi trao đổi với lãnh đạo ĐHQGHN rất hữu ích để tìm ra hướng đi này. Phía ĐH RMIT vô cùng hoan nghênh ý tưởng thành lập các phòng thí nghiệm chung giữa hai bên và mong muốn sẽ có các công ty, doanh nghiệp của Úc cùng tham gia vào mô hình này.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHQGHN và ĐH RMIT đã trao đổi và chia sẻ về tình hình giáo dục đại học ở Việt Nam, các cơ hội hợp tác giữa các đại học Việt Nam và Úc; khả năng phát triển hợp tác giữa Đại học RMIT và ĐHQGHN trong các chương trình đào tạo, tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật, đồng tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế.
Năm 2017, ĐH RMIT Việt Nam và ĐHQGHN đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác cùng đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực như: nâng cao chất lượng đào tạo các ngành học thuật và lãnh đạo tại Việt Nam; thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu; trao đổi chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu, nhân viên bộ phận nghiên cứu và quản lý hành chính khác; trao đổi người hướng dẫn nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh; thực hiện các buổi giảng và tổ chức các hội thảo học thuật; phát triển các hoạt động đào tạo số.
Năm 2018, hai bên đã đề nghị tập trung thiết lập hợp tác trong các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, công nghệ và kỹ thuật, kinh doanh. Thực hiện quốc tế hóa môi trường giáo dục Đại học, ĐHQGHN và RMIT sẽ triển khai hợp tác qua hoạt động trao đổi sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh bằng hình thức RMIT cấp học bổng cho học viên hoặc đồng hướng dẫn NCS.
Trước đó, năm 1995, RMIT và ĐHQGHN đã ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương và đã hỗ trợ ĐHQGHN xây dựng Trung tâm Phát triển hệ thống, các hoạt động về công tác đảm bảo chất lượng, học bổng trao đổi, tổ chức trao đổi học thuật, đồng tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế… Năm 2016, hai bên đã tổ chức Hội thảo về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
RMIT Việt Nam là mô hình thành công của đầu tư nước ngoài trong giáo dục đại học tại Việt Nam. Với cam kết hợp tác cùng hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam, RMIT luôn quan tâm và muốn gắn kết với các hoạt động, định hướng và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Việt Nam. Gần đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng tới ĐHQGHN, Thủ tướng đánh giá cao việc ĐHQGHN đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, nghiên cứu và phát triển ứng dụng về công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn. Ngoài ra, hợp tác quốc tế của ĐHQGHN cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển của ĐHQGHN, thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế, chất lượng cao, tạo môi trường giáo dục đại học có tính quốc tế hóa cao tại ĐHQGHN.