- Cựu Tổng thư ký NATO và hiện đang là cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Anders Rasmussen vừa lên tiếng tuyên bố rằng một số quốc gia thành viên của liên minh NATO có thể tình nguyện gửi binh lính của họ tới Ukraine, nếu nước này không được đảm bảo an ninh trong một loạt vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Cựu Tổng thư ký NATO và hiện đang là cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Anders Rasmussen |
Ông Rasmussen - người giữ vai trò là cố vấn cho các Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Petro Poroshenko, cho biết Kiev nên được đảm bảo bằng văn bản trước khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Vilnius, Litva vào tháng tới, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin tình báo phương Tây, chuyển giao vũ khí và huấn luyện quân sự chung.
“Nếu NATO không thể đồng ý về một con đường rõ ràng cho Ukraine, có rất nhiều khả năng là một số quốc gia có thể hành động riêng lẻ,” cựu Tổng thư ký NATO hôm qua (7/6) đã nói như vậy với tờ the Guardian.
Tôi nghĩ rằng người Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia vào cuộc chiến và tập hợp một liên minh sẵn sàng nếu Ukraine không đạt được bất cứ điều gì ở hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius sắp tới.
Sau khi đi thăm châu Âu và Mỹ trong những tuần gần đây để giúp lôi kéo sự hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine, cựu Tổng thư ký NATO Rasmussen lập luận rằng việc triển khai quân đội nước ngoài sẽ hợp pháp theo luật quốc tế nếu Kiev yêu cầu.
Trong khi Tổng thư ký đương nhiệm của NATO – ông Jens Stoltenberg gần đây đã xác nhận rằng một số đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ông này vẫn nhấn mạnh rằng các đảm bảo đầy đủ chỉ có thể được cung cấp cho các quốc gia thành viên.
Lần đầu tiên khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cam kết trao quyền trở thành thành viên cho Ukraine vào năm 2008 và Kiev đã chính thức nộp đơn xin gia nhập vào tháng 9 năm ngoái, nhưng kể từ đó đến nay vấn đề kết nạp Ukraine đạt được rất ít tiến triển.
Một số quốc gia thành viên NATO ngày càng lên tiếng về tương lai của Ukraine trong khối, kêu gọi các nước phương Tây khác vạch ra con đường rõ ràng để giúp quốc gia Đông Âu trở thành thành viên của liên minh.
Đầu tuần này, tiểu nhóm gồm các quốc gia Đông Âu của NATO được gọi là 'Bucharest Nine' đã đưa ra một tuyên bố thúc giục khối này "khởi động một đường lối chính trị mới giúp đưa Ukraine trở thành thành viên của NATO" tại sự kiện Vilnius, cũng như một “gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn, nhiều năm và toàn diện hơn” cho Ukraine.
Mặc dù Washington cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Ukraine một ngày nào đó sẽ được kết nạp vào liên minh quân sự phương Tây nhưng giới chức Mỹ đã tập trung nhiều hơn vào cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine với Nga, hy vọng sẽ giải quyết vấn đề thành viên sau này.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith hôm qua đã nói với tờ Guardian rằng các quan chức hiện đang “xem xét một loạt các lựa chọn để báo hiệu rằng Ukraine đang tiến triển trong mối quan hệ với NATO,” mặc dù không nói rõ điều tiếp theo diễn ra sẽ là gì.
Tổng thống Ukraine Zelensky từ chối bất kỳ “sự thay thế nào cho NATO” và được cho là đã nói với các đối tác phương Tây rằng ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Litva vào tháng 7 tới trừ khi khối này đưa ra những đảm bảo “cụ thể” cho Ukraine hoặc lộ trình trở thành thành viên đầy đủ.
Nga coi việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh của mình và viện dẫn viện trợ của các quốc gia thành viên cho Ukraine là một trong những lý do khiến nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng vào tháng 2 năm 2022. Moscow nhiều lần nói rằng tính trung lập của Ukraine sẽ là một trong những điều kiện then chốt cho một nền hòa bình lâu dài.