- “Vừa rồi chúng ta hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tôi cũng rất bất ngờ với kết quả... Hiện nay tàu chạy 6 phút/chuyến và cũng lần đầu tiên báo lãi được gần 100 tỷ" – Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói:
“Đây là một việc chắc chắn chúng ta phải giải quyết trong lâu dài vì không thể một sớm, một chiều. Kinh nghiệm ở một số thành phố lớn và có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài để xử lý vấn đề như Tokyo hay như Bắc Kinh.
Đối với Hà Nội và TP.HCM, tôi cho rằng có nội dung mà phía Bộ Giao thông và địa phương phải lưu ý, đó là chúng ta phải quản lý, kiểm soát rất chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu như chúng ta không rà soát, kiểm soát quy hoạch đô thị, ví dụ như vùng trung tâm lõi này mà nếu tiếp tục mọc lên những chung cư cao, khu đô thị cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Thứ hai, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị thì vấn đề liên quan đến đất giao thông. Mặc dù ở Hà Nội và TP.HCM đã rất cố gắng nhưng đất giao thông cần khoảng từ 16 đến 26%, trong đất đô thị thì hiện nay mới chỉ dành được khoảng 8 đến 9%, đặc biệt là giao thông tĩnh là những nơi dành để xây dựng các bãi đỗ xe cũng rất khiêm tốn.
Chúng ta thấy đi đến các thành phố lớn ở trên thế giới thì không thể không có các phương tiện công cộng, cho nên bây giờ vấn đề phát triển phương tiện công cộng ở Hà Nội và TP.HCM cũng là một vấn đề rất cấp thiết.
Việc này Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với TP.HCM để đẩy mạnh việc phát triển giao thông công cộng, trong đó đường sắt đô thị là một vấn đề chúng ta phải tiếp tục quan tâm đẩy mạnh. Vừa qua, Kết luận số 49 của Bộ Chính trị nêu về vấn đề chiến lược phát triển đường sắt cũng đã tiếp tục chỉ đạo vấn đề này.
Một ví dụ rất điển hình, vừa rồi chúng ta hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tôi cũng rất bất ngờ với kết quả, với khoảng 19 tháng đưa vào vận hành, hiện nay, hằng ngày khoảng từ 31.000 đến 33.000 người đi trên tuyến này, cao điểm có những thời điểm lên tới 50.000 người/1 ngày. Hiện nay tàu chạy 6 phút/chuyến và cũng lần đầu tiên báo lãi được gần 100 tỷ, trong đó 80% những người đi tàu này đều là mua vé cố định.
Sắp tới, TP.HCM cũng đưa vào khánh thành 1 tuyến và chúng ta tiếp tục thúc đẩy tiến độ của các dự án đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, vấn đề xe buýt chúng ta cũng phải quan tâm hơn. Chúng tôi thấy điều kiện khai thác cũng rất tốt rồi. Cùng với việc đó, chúng ta phải tổ chức, sắp xếp, mở rộng không gian của 2 Thành phố này. Vành đai 3, Vành đai 4 phải triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ để chúng ta có những tuyến tránh, các phương tiện giao thông không nhất thiết phải đi vào nội thành, có thể đi các tuyến tránh này.
Thực tế rất nhiều thành phố cũng phải sử dụng những biện pháp mà hiện nay chúng ta vẫn còn đang bàn luận, ví dụ đối với Bắc Kinh hiện nay họ quy định ngày chẵn, ngày lẻ."