- Sau hơn 8 tháng bị gián đoạn, từ ngày 26/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ghép gan trở lại. Trong tuần đầu tiên, đơn vị sẽ ghép gan cho hai bệnh nhi bị xơ gan nặng. Đây là trường hợp ghép gan thứ 26 của bệnh viện.
Bệnh nhi đầu tiên được ghép gan trở lại là bé trai 11 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương). Em bị teo đường mật bẩm sinh và đã được phẫu thuật Kasai (giúp thoát lưu mật khỏi gan tạm thời) lúc 1 tháng tuổi và có biến chứng: nhiễm trùng đường mật 06 lần, xuất huyết tiêu hóa 02 lần.. Do bệnh nhi đã chuyển sang giai đoạn suy gan nên bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật ghép gan. Người hiến gan cho bé trai là mẹ của em.
Sau khi được bác sĩ khoa Gan-Mật-Tụy và ghép gan của bệnh viện hội chẩn, em B. được chỉ định ghép gan, đây cũng là phương pháp cứu cánh phù hợp. Người cho gan để ghép cho em là mẹ ruột. Ca phẫu thuật sự phối hợp cùng bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối, bệnh viện Nhi Đồng 2 luôn đảm bảo chuyên môn và trang thiết bị để vận hành hoạt động ghép tạng đạt hiệu quả tốt nhất, tiếp tục cứu chữa cho nhiều bệnh nhi.
Một ca ghép gan cho trẻ được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh tư liệu: BVCC |
Theo bác sĩ Đặng Xuân Vinh, do ghép gan bị gián đoạn trong một thời gian nên hiện nay số lượng trẻ em khu vực phía Nam và miền Trung chờ ghép rất lớn. Trong khi đó, đây là nhu cầu cấp thiết bởi nếu chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các em. Do đó, trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các ca ghép để trẻ em bị suy gan không còn “bơ vơ” như trong thời gian qua.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 5/2023, hoạt động ghép gan trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh bị gián đoạn rồi tạm dừng. Nguyên nhân được lãnh đạo bệnh viện đưa ra là do đơn vị gặp khó khăn về các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn. Trong khi đó, chương trình ký kết hợp tác ghép gan giữa Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực. Thứ hai, do Bệnh viện Nhi đồng 2 có số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa nên khi thực hiện một ca ghép gan sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều ca phẫu thuật của các bệnh lý cấp bách khác.
Để giải quyết tình trạng bị gián đoạn ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai Đề án Ghép tạng trẻ em, trình Sở Y tế và Bộ Y tế phê duyệt. Bệnh viện đã xây dựng 2 phòng mổ mới phục vụ riêng cho việc ghép tạng, đồng thời cử nhân sự chuyên môn đi đào tạo về kỹ thuật lấy tạng trên người lớn ở nước ngoài.