- Nhờ có nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn đường là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta đã vừa gây dựng tổ chức Đảng, tổ chức Cách mạng, vừa thực hiện kháng chiến, vừa xây dựng đất nước suốt chiều dài hơn 93 năm hình thành và phát triển Đảng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân và toàn dân tộc ta đã thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình kiến thiết, đổi mới toàn diện đất nước, đưa Việt Nam dần tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong phần đầu tiên “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng”, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân” và “Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng”.
Nhờ có nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn đường là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta đã vừa gây dựng tổ chức Đảng, tổ chức Cách mạng, vừa thực hiện kháng chiến, vừa xây dựng đất nước suốt chiều dài hơn 93 năm hình thành và phát triển Đảng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân và toàn dân tộc ta đã thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình kiến thiết, đổi mới toàn diện đất nước, đưa Việt Nam dần tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua thời chiến tới thời bình, đổi mới kinh tế tới gia nhập kinh tế thị trường, cách mạng công nghiệp lần thứ 3 tới lần thứ 4 (CMCN 4.0), nền tảng tư tưởng của Đảng được bổ sung, đổi mới và phát triển qua từng thời kỳ, phù hợp với thực tiễn, thích hợp với thời đại. Nhưng dù ở bất cứ giai đoạn nào, thì những giá trị căn bản và bền vững của nền tảng đó vẫn luôn được giữ gìn và phát huy, thể hiện qua tinh thần “kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam” mà Đảng ta luôn nhấn mạnh.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam kiên định lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế quốc dân nhiều thành phần, đẩy mạnh kinh tế tư nhân và giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đạo đức Cách mạng không chỉ đặt ra với những đảng viên, lãnh đạo trong đơn vị kinh tế tư nhân mà cũng là yêu cầu đối với những đảng viên, lãnh đạo, người lao động trong đơn vị kinh tế nhà nước.
Thương trường của thời kỳ kinh tế hội nhập không phải là cuộc chiến sinh tử, một mất một còn hay bên thắng bên bại như mặt trận chiến tranh, nhưng cũng không kém phần ‘khốc liệt’ bởi tính cạnh tranh, những cạm bẫy và sự cám dỗ của vật chất, tiền bạc, địa vị, danh vọng… mà trong môi trường đó nếu không có tư tưởng chính trị vững vàng, phương pháp luận và thực hành đúng đắn thì đảng viên, cán bộ dễ bị suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phạm phải sai lầm.
Để cuộc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tha hóa, quan liêu và tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước được hiệu quả, trước tiên, mỗi người đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải như là một cán bộ chỉ huy, một chiến sỹ trên mặt trận mà kẻ thù trước mặt là những cám dỗ bên ngoài, là sự ích kỷ, lòng tham, chủ nghĩa cá nhân bên trong con người. Mỗi người chỉ huy ấy, người chiến sỹ ấy phải luôn thực hành và rèn luyện những phẩm chất đạo đức Cách mạng - đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất quan trọng nhất là “Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư”.
Công chức, viên chức rèn “Tứ đức” theo lời Bác |
Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”, Cần là duy trì sự siêng năng, chăm chỉ, cố gắng đó một cách thường xuyên liên tục. Có Cần thì sẽ chữa được bệnh lười trong doanh nghiệp nhà nước, bài trừ được tư tưởng “ngồi chơi vẫn hưởng lương đều”, “việc nhàn, lương cao” hoặc tư tưởng chán nản, buông xuôi khi gặp khó khăn, trở ngại, “dễ thì làm, khó thì bỏ”…. ; chữa được bệnh lười suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi trong mỗi công việc làm ra sản phẩm dịch vụ, kinh doanh bán hàng tạo ra doanh thu; chữa được bệnh lười trong tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự thay đổi và phát triển của những mô hình, cách thức kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới trong nền kinh tế số.
Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Có Kiệm thì sẽ chữa được bệnh lãng phí khi doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, thời gian của đơn vị khi sắp xếp, phân công, ưu tiên xử lý công việc bất hợp lý, sử dụng người không đúng, lạm phát họp hành, lạm chi... Kiệm còn là kiệm lời, thực hành “nói ít làm nhiều”, “đã nói là làm”, dùng lời nói thay hành động, nên có Kiệm thì sẽ chưa được bệnh “nói nhiều làm ít”, quan liêu, lười biếng, phô trương… Kiệm là bỏ ra chi phí thấp nhất mà đạt được hiệu quả cao nhất, sẵn sàng bỏ chi phí cho việc đáng làm, tính hiệu quả được đề cao và kiểm soát nên có Kiệm thì cũng sẽ phòng ngừa được bệnh tham nhũng từ những dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư trục lợi, mua bán chức vị...
Liêm là “trong sạch, không tham lam”, là không sinh hoạt xa hoa, tiêu xài lãng phí. Là cán bộ, là đảng viên mà giữ được cho mình trong sạch, không tham lam thì sẽ tránh khỏi căn bệnh tự tư, tư lợi, lạm dụng chức quyền, dùng của công vào việc tư, lợi dụng vị trí và chức vụ để tạo lợi ích nhóm, phát triển “sân sau”, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ, đút lót... Là cán bộ, đảng viên mà bất liêm thì giống như con sâu đục khoét thân doanh nghiệp, doanh nghiệp không phát triển và túi tham của kẻ bất liêm thì đầy. Lãnh đạo bất liêm thì nhân viên có tấm gương xấu, cũng dễ theo mà sa vào con đường bất liêm bởi trong doanh nghiệp, vị trí nào cũng có những quyền hạn nhất định mà người nắm giữ có thể lợi dụng để trục lợi cá nhân như lợi dụng kỹ thuật công nghệ, lợi dụng khe hở hệ thống, kẽ hở của luật pháp, mua bán thông tin hay dữ liệu, sắp xếp hỗ trợ đối tác “sân sau”… để tư lợi bất chính.
Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. Người có Chính là người không mắc bệnh kiêu ngạo, háo danh, tự cao tự đại, nịnh trên nạt dưới. Lãnh đạo trong doanh nghiệp mà có Chính thì sẽ cầu thị, biết mình và biết tự hoàn thiện mình, có tinh thần tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác. Lãnh đạo mà có Chính thì nhân viên sẽ được lãnh đạo tôn trọng, lắng nghe, hướng dẫn và dìu dắt. Trong tổ chức, thường chỉ có một số rất ít nhân sự toàn tài, ít ai giỏi tất cả mọi lĩnh vực, nhưng lại có rất đông những người là giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Nhờ có Chính, mối tương hỗ biết mình, biết người sẽ gây dựng được sự đoàn kết, không khoảng cách, trong doanh nghiệp; “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” Khối đoàn kết ấy sẽ giúp cho mỗi cá nhân và cả tổ chức dùng Chính thắng tà, dùng thiện thắng ác, cá nhân hoàn thiện bản thân và tập thể doanh nghiệp cùng phát triển.
Chí Công Vô Tư nghĩa là khách quan, chính trực, công bằng, vì đại nghĩa, vì đại cục. Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư là những phẩm chất đạo đức Cách mạng có quan hệ chặt chẽ với nhau, phẩm chất này là tiền đề cho phẩm chất kia, phẩm chất này là thể hiện cho phẩm chất kia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Cần Kiệm Liêm Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua Ái quốc”. “Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua 75 năm vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân thực hành thi đua yêu nước trong tình hình mới, thời đại mới. Thi đua yêu nước trong doanh nghiệp nhà nước chính là: xây dựng và phát triển đội ngũ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nền tảng tư tưởng đạo đức cách mạng trong thời kỳ hội nhập kinh tế trên cơ sở giữ vững nền tảng và phát huy những giá trị truyền thống cách mạng dân tộc; phát triển kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp; tạo doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp từ những sản phẩm dịch vụ có chất lượng vì lợi ích khách hàng; vì trách nhiệm xã hội, tạo giá trị cho cộng đồng và phát triển bền vững.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong doanh nghiệp ngoài giáo dục, bồi dưỡng, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ, trách nhiệm và đạo đức của người đảng viên để tạo nền móng, còn là triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là tích cực thi đua lao động, sáng tạo. Đảng viên, người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, hay bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng và quyết định thành bại của mỗi phong trào thi đua của doanh nghiệp, đơn vị hay bộ phận đó. Do đó, đảng viên, người đứng đầu phải là những người tiêu biểu trong rèn “tứ đức” “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, rèn “Chí Công Vô Tư”, gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua, là tấm gương cho những đảng viên và quần chúng khác phấn đấu, noi theo; lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cùng dìu dắt nhân viên, quần chúng tiến bộ, trưởng thành. Có như vậy, được như vậy thì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong doanh nghiệp sẽ không là khẩu hiệu suông, dù khó cũng thành, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
“Cán bộ xung trước,
Làng nước theo sau.
Việc khó đến đâu,
Cũng làm được hết”.
Trần Thị Thanh Yên
Đảng bộ Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media)