Đây là 1 trong 6 ca ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa và mắm ủ lâu ngày trên địa bàn thành phố những ngày vừa qua.
Sáng 25/5, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 1 tuần điều trị, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã tử vong.
Nạn nhân này được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu ngày 15/5 trong tình trạng yếu sức cơ, khó nuốt do ăn mắm ủ lâu ngày. Trong mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của người đàn ông này có sự hiện diện của vi khuẩn Botulinum.
Diễn tiến bệnh chuyển nặng dần với các biểu hiện liệt cơ, nạn nhân phải thở máy và điều trị kháng sinh, sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Dù các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách điều trị nhưng nạn nhân dần suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.
Trước đó, tối 24/5, 6 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Số thuốc giải này được phân phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thời điểm nạn nhân tử vong, thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến bệnh viện nhưng bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, tích cực cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum. Ảnh: TTXVN |
Sáng 25/5, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã nhận được hai lọ thuốc giải độc Botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, hai nạn nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại đây sẽ không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Hiện, các nạn nhân đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 ca ngộ độc Botulinum do ăn bánh mì, chả lụa, mắm ủ lâu ngày. Đến nay, đã có 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong, 2 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng nặng. 3 trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do đã được sử dụng thuốc giải BAT nên tình hình sức khỏe đang cải thiện dần.
Ngộ độc Botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay, rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 6 ca tại TP Hồ Chí Minh.
Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm chi trả.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố Botulinum nói riêng.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo 8 chìa khóa phòng ngộ độc Botulinum mà người dân cần biết:
Theo VTV
https://vtv.vn/xa-hoi/vu-ngo-doc-botulinum-tai-tp-ho-chi-minh-1-truong-hop-tu-vong-20230525122319541.htm